Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2021

Ngày 18-6, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Tuyên Quang, Tổ công tác 68 của tỉnh bàn giải pháp nâng cao Chỉ số CCHC cấp tỉnh và nắm tình hình triển khai thực hiện Đề án 06 của các cơ quan, đơn vị.
Video không hợp lệ

Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến với 7 điểm cầu các huyện, thành phố.


Toàn cảnh cuộc họp.

CCHC có  nhiều chuyển biến

Cuộc họp đã công bố Chỉ số CCHC năm 2021 của các cơ quan chuyên môn quản lý Nhà nước thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố. Đối với Chỉ số CCHC các cơ quan chuyên môn quản lý Nhà nước thuộc UBND tỉnh, Sở Tư pháp là đơn vị đứng vị trí thứ nhất với 95,18%; Sở Nội vụ đứng ở vị trí thứ 2 với 92,22%. Sở Y tế đứng ở vị trí cuối bảng xếp hạng với 69,37%. Đối với Chỉ số CCHC của UBND các huyện, thành phố, thành phố Tuyên Quang đứng đầu với 81,99%, huyện Yên Sơn đứng ở vị trí cuối bảng với 74,65%.

Công bố Chỉ số CCHC (PARINDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) theo Bộ tiêu chí đánh giá năm 2021 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Chỉ số CCHC của tỉnh Tuyên Quang đạt 86,57%, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố, tăng 2,76%, tăng 1 bậc so với năm 2020. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 86,27%, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố, tăng 4,02% và tăng 7 bậc so với năm 2020.

Về kết quả triển khai thực hiện Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dư liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030 của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, trước mắt tỉnh triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo quy định, đến nay có 8/11 dịch vụ công của ngành Công an ở mức độ 4; 14 dịch vụ công của các bộ, ngành có 3 dịch vụ đã được triển khai mức độ 4, 11 dịch vụ đang triển khai từ mức độ 3 lên mức độ 4.


Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Qua kết quả đánh giá cũng cho thấy công tác CCHC của tỉnh còn nhiều hạn chế. Cụ thể, Chỉ số cải cách thủ tục hành chính (TTHC) giảm 33 bậc (từ vị trí thứ 25 xuống thứ 58), trong đó có những nguyên nhân cơ bản như việc công khai TTHC, tiến độ, kết quả thực hiện TTHC trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ; còn có hồ sơ chưa giải quyết đúng hạn. Cải cách tài chính công giảm 15 bậc (từ vị trí thứ 43 xuống thứ 58), việc thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước chưa đạt 100% theo yêu cầu, tỷ lệ giảm chi trực tiếp ngân sách cho đơn vị sự nghiệp chưa đạt 10% so với năm 2015...

Về hiện đại hóa hành chính giảm 4 bậc (từ vị trí thứ 46 xuống thứ 50). Đánh giá đã chỉ ra tỷ lệ văn bản trao đổi dưới dạng điện tử giữa các cơ quan hành chính Nhà nước chưa đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của tỉnh được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch công quốc gia chưa đạt 100%; tỷ lệ TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 có phát sinh hồ sơ chưa đạt; tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích không đạt tỷ lệ 5% trở lên...

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đã đánh giá, phân tích những nguyên nhân tác động đến việc tăng, giảm điểm chỉ số thành phần CCHC liên quan đến ngành, lĩnh vực mình trách, đồng thời để xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế nhằm nâng cao các Chỉ số CCHC thành phần trong thời gian tới.

Cần phải thay đổi nhận thức phục vụ Nhân dân trong CCHC

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ  tỉnh lần thứ XVII đề ra. Do vậy, đòi hỏi có sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, các địa phương. Qua những kết quả đánh giá các Chỉ số CCHC của Trung ương và của tỉnh cho thấy công tác CCHC của tỉnh đã đạt được những kết quả kết sức quan trọng, trong đó có 5/8 chỉ số thành phần tăng điểm và đạt điểm cao. Có được kết qủa này là nhờ vào sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc phục vụ người dân trong giải quyết TTHC đã cơ bản thay đổi.

Tuy nhiên, công tác CCHC của tỉnh còn có nhiều hạn chế, điểm nghẽn, dẫn tới một số Chỉ số thành phần của tỉnh đạt điểm thấp, trong đó đặc biệt là Chỉ số cải cách TTHC đạt điểm rất thấp. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nguyên nhân chủ quan là cơ bản, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, coi nhẹ việc quản lý, giám sát.


Hội nghị tại điểm cầu thành phố Tuyên Quang.

Về nhận thức trong CCHC phải đặt ra mục tiêu cuối cùng là phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất, hạn chế tối đa việc đi lại cho người dân. Để cho người dân phải đi lại nhiều lần giải quyết TTHC là trách nhiệm của chính cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Người đứng đầu các sở, ngành, phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc thay đổi chỉ số CCHC.

Để tiếp tục cải thiện Chỉ số CCHC trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương đặt ra các chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, rõ ràng. Đối với cải cách TTHC chỉ tiêu trong năm 2022 phải phấn đấu tăng ít nhất 20 bậc trong bảng xếp hạng trở lên. Các cơ quan, đơn vị phải thực hiện ngay việc công khai TTHC trên cổng dịch vụ công trước ngày 5/7. Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh về nội dung này. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải triển khai ngay việc công khai tiến độ 100% TTHC trên cổng thông tin điện tử, hàng tháng báo cáo kết quả cho UBND tỉnh. Về cải cách tài chính công từ trong năm 2022 phải phấn đấu tăng 10 bậc trở lên, Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, theo dõi việc triển khai thực hiện.

Đối với hiện đại hóa nền hành chính cũng cần phải tăng tối thiểu 10 bậc trở lên. Các cơ quan, đơn vị; UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Tỉnh Ủy, UBND tỉnh về Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; các giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đây việc gửi văn bản nội bộ trong cơ quan hành chính.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm các sở, ngành rà soát toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, đặc biệt trong việc triển khai 25 dịch vụ thiết yếu, vướng ở đâu phải tháo gỡ ngay. Từng huyện, thành phố, tổ công nghệ số cộng đồng tổ chức, hướng dẫn cho người dân về công nghệ để tiếp cận các dịch vụ công thiết yếu. Đồng chí nhấn mạnh, Đề án 06 là đề án góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức phục vụ Nhân dân đối với dịch vụ công thiết yếu. Để thay đổi được thì tư duy, nhận thức của người đứng đầu phải được thông suốt.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân để nâng cao nhận thức toàn diện, khách quan, tích cực về công tác CCHC. Đồng thời, tích cực đề xuất, triển khai có hiệu quả các sáng kiến và giải pháp mới trong công tác CCHC kịp thời báo cáo kết quả, hiệu quả sáng kiến theo quy định.

Thanh Phúc
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục