Tham dự kỳ họp này, các đại biểu của Đoàn ĐBQH khóa XIV của tỉnh đã có nhiều ý kiến phát biểu tại các phiên họp tổ và phiên họp toàn thể. Ngày 28/10/2016, trong phiên họp toàn thể tại hội trường thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng. Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham gia phát biểu ý kiến thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai, phát biểu thảo luận tại phiên họp |
Đại biểu cho rằng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016 đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT- XH và đối ngoại của đất nước. Tuy nhiên, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm ma túy. Tội phạm xâm phạm trật tự xã hội vẫn diễn biến phức tạp với hành vi ngày càng manh động, liều lĩnh; nổi lên là tội phạm có tổ chức, các băng nhóm đâm thuê, chém mướn, truy sát, bảo kê, đòi nợ thuê… sẵn sàng cưỡng đoạt tài sản, giết người có tính chất nghiêm trọng tăng mạnh. Vấn đề đáng lo ngại nhất là đối tượng gây ra các loại tội phạm trên lại chủ yếu là thanh, thiếu niên.
Về nguyên nhân của tình hình nêu trên, đại biểu cho rằng, những nguyên nhân nêu trong báo cáo không mới. Vấn đề được đặt ra là tại sao khi đã xác định được nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian dài như vậy, nhưng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật lại không được cải thiện đáng kể. Phải chăng là do hệ thống các văn bản pháp luật có thể chưa đầy đủ, nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm... Tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội và vi phạm pháp luật có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ và đùn đẩy trách nhiệm ngay từ khi các em còn là những đứa trẻ cho đến khi trưởng thành.
Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm đối tượng là thanh, thiếu niên, đại biểu đồng tình với 9 nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị trong thời gian tới cần thực hiện tốt các giải pháp như:
Cần có biện pháp đồng bộ, chặt chẽ, trách nhiệm về giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách, trách nhiệm, ý thức pháp luật và chấp hành pháp luật đối với thanh, thiếu niên… của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Các cơ quan chức năng phải làm tốt công tác phân tích, đánh giá, dự báo tình hình an ninh trật tự; thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ cơ bản; các biện pháp phòng ngừa, nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng; tập trung tấn công trấn áp triệt để các loại tội phạm, tệ nạn xã hội hoạt động kiểu băng nhóm, xã hội đen, đặc biệt tội phạm liên quan đến ma túy.
Nhà nước cần có chính sách đồng bộ về lao động việc làm, hỗ trợ học nghề và tạo việc làm, tăng thu nhập cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lực lượng lao động trẻ là thanh niên ở nông thôn, đô thị (những đối tượng này khi không có việc làm thường tụ tập, rủ rê hình thành nên các băng, nhóm tội phạm).
Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan sớm rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật kèm theo cơ chế chính sách về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là các luật về hình sự, xử lý vi phạm hành chính, phòng, chống ma túy.
Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường công tác giám sát đối với các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, kịp thời phát hiện những khó khăn vướng mắc để có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực./.