Cần chính sách đủ mạnh, thúc đẩy phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Chiều ngày 18.9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của QH phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS - MN) và vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu điểu hành phiên họp

“Vẫn là vùng khó khăn nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất”

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết quan trọng này. Trong đó nêu rõ, nước ta có 53 DTTS với 3,04 triệu hộ, 13,38 triệu người, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng, là đầu nguồn sinh thủy, gắn với các công trình thủy điện quốc gia vừa cung cấp điện, vừa cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du và khu vực đồng bằng.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định vùng đồng bào DTTS - MN khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền trung là những khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, “hiện nay vùng đồng bào DTTS - MN vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thừa nhận.


Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do: vùng đồng bào DTTS - MN chủ yếu là núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém nhất cả nước, xuất phát điểm rất thấp; biến đổi khí hậu, sự cố môi trường diễn ra nghiêm trọng và khó lường… Chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS - MN mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng còn nhiều đầu mối xây dựng, quản lý, theo dõi (hiện còn 118 văn bản đề cập đến chính sách); nguồn lực phân tán, dàn trải; chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp; chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng, phát huy nội lực của đồng bào để đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS - MN.

Từ tình hình trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định: “Rất cần thiết phải xây dựng “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS - MN” để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện vùng đồng bào DTTS - MN, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc”.

Tờ trình cũng nêu rõ, Đề án gồm 6 phần, với nội dung cơ bản tập trung đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS - MN, phân tích nguyên nhân của hạn chế, yếu kém; đưa ra quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS - MN giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Trong Đề án cũng nêu rõ các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 2030; phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Đề án…

Tích hợp các nội dung chính sách, thu gọn đầu mối quản lý

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Đề án, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, đa số ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án như nội dung nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, vùng DTTS - MN có vị trí, tầm quan trọng chiến lược về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Nhưng hiện nay đây vẫn là vùng có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất và có tỷ lệ người nghèo cao nhất, là khu vực thường xuyên gánh chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Khoảng cách phát triển, mức thu nhập bình quân của người DTTS so với mặt bằng chung cả nước ngày càng doãng ra. Do đó, “cần phải có chính sách đủ mạnh để đầu tư cho vùng này nhằm thực hiện mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập”, ông Hà Ngọc Chiến khẳng định.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Đề án

Mặt khác, Báo cáo cũng nêu rõ, chính sách dân tộc hiện có trên 100 chính sách đang còn hiệu lực, do nhiều cơ quan chủ trì xây dựng, quản lý, tổ chức thực hiện nên nguồn lực bị phân tán, dàn trải, khó lồng ghép, khó phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Do vậy, ông Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh: “Cần xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS - MN mới, khắc phục những tồn tại, hạn chế của giai đoạn vừa qua, thúc đẩy phát triển toàn diện vùng DTTS - MN”.

Ông Hà Ngọc Chiến cũng cho biết, từ việc thẩm tra kết quả 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS - MN giai đoạn 2016 - 2018, Hội đồng Dân tộc đã đề nghị QH ban hành Nghị quyết về chính sách dân tộc như một Chương trình mục tiêu quốc gia mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS - MN giai đoạn tới. Theo đó, tích hợp các nội dung chính sách, thu gọn đầu mối quản lý, quy định về cơ chế, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách. Xây dựng Đề án với việc đề xuất một Chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng DTTS - MN là hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính sách và các nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội.

Đánh giá việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, Thường trực Hội đồng Dân tộc cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về những thành tựu đạt được, hạn chế và nguyên nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc đã được nêu khá chi tiết, đậm nét trong Đề án. Tuy nhiên, qua theo dõi Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá kỹ hơn một số nội dung.

Cụ thể, chính sách ban hành nhiều nhưng thiếu tính hệ thống, đồng bộ, thống nhất, chưa bao phủ hết các lĩnh vực đời sống xã hội (như: thể dục thể thao, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng); chính sách dàn trải, manh mún, chồng chéo; một số chương trình, chính sách quan trọng nhưng tiến độ thực hiện chậm, kéo dài, không đạt mục tiêu đề ra ; nhiều chính sách chưa được bố trí đủ nguồn lực thực hiện.

Công tác rà soát, tổng hợp, phân tích, đánh giá chính sách dân tộc hiện nay còn nhiều bất cập. Chính phủ báo cáo có 118 chính sách dân tộc đang còn hiệu lực, thể hiện trên 142 văn bản. Nhưng qua rà soát cho thấy, các chính sách dân tộc chủ yếu là quy định chính sách chung (50 chính sách chung, không nêu đề cập đến DTTS; 13 chính sách chung có đề cập DTTS; 21 chính sách có vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, nông thôn mới đặc thù...; 34 chính sách cho riêng vùng DTTS và đồng bào DTTS. Trong khi đó, có những văn bản chính sách quan trọng đối với công tác dân tộc chưa được đề cập đến, như: Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14.11.2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Quyết định số 755/QĐ-TTg, ngày 20.5.2013 của Chính phủ Phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng… Điều này “dẫn đến đánh giá việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc chưa toàn diện, đầy đủ và chính xác”, ông Hà Ngọc Chiến chỉ rõ.

Một số số liệu và thông tin về tình hình thực hiện ngân sách đầu tư cho vùng DTTS - MN chưa thống nhất, thiếu độ tin cậy và không được cập nhật đầy đủ, kịp thời do không tách bạch được số liệu riêng của vùng DTTS - MN. Thiếu các tiêu chí và hệ thống theo dõi thông tin phù hợp, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Chưa xác định rõ, thống nhất về địa bàn, phạm vi vùng DTTS - MN, dẫn đến không lượng hóa chính xác nguồn lực đầu tư cho vùng này…

Làm rõ cơ sở tính toán, định mức làm căn cứ khái toán nguồn vốn

Về kinh phí thực hiện, theo Đề án, tổng vốn thực hiện tối thiểu là: 335.421,367 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển: 290.959,364 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 9.462,003 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách: 35.000 tỷ đồng.

“Với mức tạm tính trên đây, Đề án chưa thể hiện được định mức, đối tượng, danh mục đầu tư nên rất khó có cơ sở để thẩm tra”. Chỉ rõ điều này, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở của việc tính toán, định mức làm căn cứ khái toán nguồn vốn. Các phụ biểu về nhu cầu kinh phí chưa bám sát các nội dung của Đề án, của Chương trình mục tiêu quốc gia. Chẳng hạn, Đề án xác định phạm vi thực hiện là các xã vùng DTTS - MN, nhưng nhu cầu kinh phí bao gồm cả các công trình đường giao thông, trung tâm y tế ở cấp huyện.

Các chính sách đặc thù vùng DTTS - MN theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng Đề án vẫn dự kiến kinh phí riêng. Đề án nêu quan điểm “nguồn lực nhà nước là chủ yếu và có ý nghĩa quyết định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động và thu hút mạnh mẽ các nguồn lực khác”, nhưng mới chỉ nêu dự kiến về nguồn lực nhà nước và nguồn vốn tín dụng, chưa phân rõ vốn trung ương, vốn địa phương, chưa nêu dự kiến huy động các nguồn lực khác (vốn doanh nghiệp, vốn tài trợ, đóng góp của người dân, cộng đồng) và chưa nêu rõ được giải pháp huy động các nguồn lực khác là gì.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, đây là vấn đề rất quan trọng cần làm rõ trong Đề án, vì huy động vốn ngân sách địa phương liên quan đến Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước; huy động vốn tài trợ liên quan đến trần nợ công và kế hoạch vay vốn ODA; huy động người dân, cộng đồng liên quan đến cơ chế thực hiện các giải pháp, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thường trực Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có báo cáo thẩm định nguồn vốn trước khi trình QH xem xét, quyết định phê duyệt Đề án. Làm rõ mối quan hệ, xác định phạm vi đối tượng, nguồn lực giữa Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS - MN với hai chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay.

Mặt khác, Chính phủ cần có đánh giá, phân tích làm rõ với hệ thống chính sách dân tộc đã thực hiện qua các giai đoạn trước đây, nhất là giai đoạn 2011 - 2020 đã được bố trí nguồn lực ngân sách bao nhiêu; cơ cấu nguồn lực cho các chương trình, chính sách như thế nào. Từ đó làm rõ, với khái toán của Đề án này thì phần ngân sách tăng thêm bao nhiêu so với giai đoạn trước; cơ chế bảo đảm bố trí nguồn lực từ đâu và hơn hết, với phần kinh phí này dự kiến bảo đảm tỷ lệ đạt được của các chỉ tiêu đề ra là bao nhiêu?

Trên cơ sở báo cáo của cơ quan chủ trì thẩm tra và ý kiến của UBTVQH, Thường trực Hội đồng Dân tộc kiến nghị, Chính phủ tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án, kèm theo Dự thảo Nghị quyết của QH về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS - MN, trình QH tại Kỳ họp thứ Tám tới.

Theo Báo đại biểu nhân dân

Tin cùng chuyên mục