Tới dự có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải; các nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên các Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, Bùi Ngọc Thanh, Trần Đình Đàn; lãnh đạo Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và Lãnh đạo Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành phố...
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm |
Việc nâng cấp và đổi tên thành Báo Đại biểu Nhân dân là sự kiện rất quan trọng đánh dấu bước trưởng thành mới của báo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cả về quy mô, tầm vóc, phạm vi và chiều sâu chất lượng của tờ báo. Báo Đại biểu Nhân dân góp thêm một bản sắc riêng, một dấu ấn riêng. Công chúng biết đến báo qua nhiều kênh: từ báo in đến báo điện tử nhanh chóng, cập nhật; từ những bài viết sắc sảo, trách nhiệm, có giọng điệu riêng được điểm trên truyền hình mỗi sáng...
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng đã công bố Thư chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng gửi tới cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Báo Đại biểu nhân dân. Trong thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và biểu dương những thành tích xuất sắc mà Báo Đại biểu Nhân dân đã đạt được trong thời gian qua; tin tưởng rằng: “Là tờ báo chính trị-xã hội của cơ quan dân cử, Báo Đại biểu Nhân dân cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin kịp thời các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của QH, các Đoàn ĐBQH, HĐND; phản ánh thực tiễn sinh động của cuộc sống, tình hình thực thi pháp luật, nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội. Phát huy vai trò cầu nối giữa đại biểu dân cử với cử tri và giữa cử tri với đại biểu và cơ quan dân cử, góp phần tuyên tuyền phổ biến pháp luật vào cuộc sống và đưa thực tiễn cuộc sống vào công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, qua 30 năm hình thành, phát triển và đặc biệt trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 816/2009/UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về nâng cấp và đổi tên, Báo Đại biểu Nhân dân xứng đáng với vị thế là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của cơ quan dân cử. Báo luôn khẳng định là Tờ báo chủ lực trong công tác thông tin, tuyên truyền thường xuyên, đầy đủ, kịp thời về hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoạt động của ĐBQH và hoạt động của HĐND các cấp; giữ vai trò là cầu nối truyền tải thông tin từ Quốc hội, HĐND các cấp tới cử tri, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, cử tri tới diễn đàn Quốc hội, HĐND; phản ánh được quá trình cải tiến, đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp; từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của cử tri và Nhân dân cả nước, sự ủng hộ của cử tri đối với quyết sách của Quốc hội, HĐND, tạo sự đồng thuận xã hội, đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống. Báo luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, phản ánh đúng và trúng nhiều vấn đề. Đồng chí yêu cầu Báo Đại biểu Nhân dân tập trung tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH, HĐND các cấp…; tuyên truyền về công tác chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng… Chủ động, bám sát sự chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, sự Lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; bảo đảm sự tự chủ theo quy định của Nhà nước về lĩnh vực báo chí. Xây dựng quy trình, quy chế làm việc chặt chẽ, công khai, dân chủ. Có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ phóng viên trẻ có trình độ lý luận, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt. Đội ngũ phóng viên phải không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức người làm báo, tăng cường kiến thức về Quốc hội, HĐND; chủ động, lắng nghe, bám sát thực tiễn cuộc sống để có nhiều bài viết hay, chuyên sâu, có tính phản biện cao. Báo cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới về hình thức và nội dung chuyên trang, chuyên mục; có phương thức thông tin phù hợp với các đối tượng độc giả, tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng nội dung thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, HĐND.