Xứng đáng với niềm tin, nguyện vọng của cử tri

Đại biểu dân cử nói chung, đại biểu HĐND tỉnh nói riêng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng cử tri và nhân dân. Do đó, mỗi đại biểu HĐND tỉnh cần phải liên hệ chặt chẽ với cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền, bên cạnh đó, mỗi đại biểu có trách nhiệm tham gia thảo luận tại mỗi kỳ họp của HĐND tỉnh để thực hiện quyền của đại biểu nhưng đồng thời là trách nhiệm của đại biểu trước những vấn đề dân sinh, xã hội. Nội dung này được quy định tại Điều 93, 94 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND các cấp thực hiện trong thời gian qua. Với tinh thần đó, đại biểu HĐND tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực, chủ động, tích cực phát huy tinh thần, trách nhiệm của đại biểu cơ quan dân cử đã làm tốt nhiệm vụ tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp và sôi nổi, nhiệt huyết trong hoạt động thảo luận tại kỳ họp của HĐND tỉnh.

Không chỉ ra hội trường để bấm nút

Tại mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, phiên thảo luận tại hội trường luôn được truyền hình trực tiếp và nhận được sự quan tâm, thu hút sự theo dõi chú ý của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Xác định việc chuẩn bị tài liệu và gợi ý thảo luận là một khâu quan trọng bảo đảm chất lượng phiên thảo luận, do đó Thường trực HĐND tỉnh chuẩn bị kỹ lưỡng, sâu sát trên cơ sở kết quả thẩm tra, giám sát, kiến nghị của cử tri và đề xuất của các Ban HĐND tỉnh.


Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên thảo luận tại kỳ họp

Tại mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh tạo điều kiện và dành thời gian thỏa đáng để các Tổ đại biểu họp, nghiên cứu và đăng ký nội dung thảo luận. Qua đó, nội dung thảo luận của đại biểu HĐNĐ tỉnh mang tính toàn diện, có trọng tâm, sát thực tiễn và chuyển tải được những nguyện vọng chính đáng của người dân, với nhiều nhận định, đánh giá sát thực và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể. Nếu như trước đây, những ý kiến thảo luận thường xoay quanh những vấn đề hết sức cụ thể, từ chuyện “xây một cây cầu, sửa một con đường, thêm một lớp học”… đến nay, các ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh đã có cách nhìn đa diện trên tất cả các lĩnh vực, tập trung vào các vấn đề lớn, có tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn tỉnh như: Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm; việc xây dựng và phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ;…Nhiều đại biểu quan tâm, trăn trở, thẳng thắn phản ánh những tồn tại, hạn chế và và đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực tế cho thấy, có kỳ họp HĐND tỉnh có tới gần 30 lượt đại biểu phát biểu thảo luận, cho thấy sự tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu HĐND tỉnh, đặc biệt đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trước cử tri và công việc được giao. Hoạt động thảo luận tại kỳ họp có chuyển biến rất mạnh số lượng và chất lượng, không khí phiên thảo luận sôi nổi, dân chủ, mang tính tranh luận, trao đổi và tinh thần xây dựng rất cao; nội dung tập trung, trúng, đúng với nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những vấn đề thực tiễn đặt ra và những vấn đề cử tri quan tâm. 

Hoạt động tiếp xúc cử tri - cầu nối thiết thực

Để Hội đồng nhân dân tỉnh thực sự là cơ quan đại diện ý chí, nguyện vọng của cử tri, trong những năm qua, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND tỉnh tại 502 điểm, tổng hợp 2.136 ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời cử tri. Để hoạt động tiếp xúc cử tri đem lại hiệu quả thiết thực, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị tài liệu và xây dựng kế hoạch cho mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, bảo đảm tính khoa học, tránh trùng lặp. Điểm nổi bật Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức cho đại biểu HĐND 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) cùng tiếp xúc cử tri tại một điểm để giảm thời gian, chi phí và tăng hiệu quả tiếp xúc cử tri. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị cử tri đều được lãnh đạo UBND huyện, xã và một số ngành chuyên môn tiếp thu, giải trình, trao đổi, giải đáp ngay tại buổi tiếp xúc cử tri. Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, những ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được tổng hợp đầy đủ và chuyển cho các cơ quan xem xét, giải quyết, trả lời. Qua các cuộc giám sát cho thấy, 100% các kiến nghị của cử tri được UBND và các cơ quan chức năng xem xét, trả lời, hầu hết các kiến nghị có đủ điều kiện (chiếm khoảng 30 đến 40% tổng số kiến nghị) đã được giải quyết dứt điểm, số còn lại chưa được giải quyết ngay do chưa có nguồn lực hoặc chưa có chính sách, quy định và đều được báo cáo và trả lời rõ đến cử tri qua các kỳ tiếp xúc cử tri.


Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri

Qua đó, cho thấy các đại biểu HĐND tỉnh bám sát thực tiễn, thấu đáo hơn những kiến nghị, phản ánh, nguyện vọng chính đáng của cử tri; chủ động đối thoại, trao đổi với cử tri, qua đó nắm bắt, phát hiện những yêu cầu của thực tiễn, hiến kế cho sự phát triển của tỉnh và địa phương nơi mình cư trú, ứng cử...; làm tốt vai trò chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cơ chế, chính sách của tỉnh đến các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và từng người dân, doanh nghiệp, để mỗi tổ chức, cá nhân thực hiện tốt trách nhiệm của mình trước yêu cầu về sự phát triển của tỉnh và cuộc sống của nhân dân. Đại biểu HĐND là chiếc cầu nối giữa cử tri với cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, tạo điều kiện cử tri thực hiện quyền giám sát đối với đại biểu HĐND do mình bầu ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực tế cho thấy hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh trong tham gia thảo luận và tiếp xúc cử tri ngoài những yếu tố khách quan thì còn bộc lộ yếu tố chủ quan do chất lượng của đại biểu HĐND tỉnh. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, đại biểu HĐND tỉnh cần quan tâm thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh trong hoạt động tiếp xúc cử tri và thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh như sau:

Một là, cần thay đổi nhận thức về trách nhiệm của đại biểu. Trong hoạt động tiếp xúc cử tri, mỗi đại biểu HĐND tỉnh là người đầu tiên tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri thì cần xác định trách nhiệm, vai trò của đại biểu không chỉ là người tiếp nhận thông tin mà còn tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị tại kỳ tiếp xúc cử tri và đôn đốc, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được đề nghị trước đó. Trong hoạt động thảo luận, vai trò của đại biểu HĐND tỉnh trong thảo luận không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm trước nhân dân và cử tri đối với những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hai là, quan tâm, phối hợp các cơ quan liên quan tạo điều kiện để tự thân mỗi đại biểu HĐND tỉnh phát huy tinh thần, trách nhiệm trước cử tri, chủ động tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, hoàn thành có chất lượng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu làm tốt vai trò cầu nối giữa nhân dân với chính quyền các cấp. Mỗi đại biểu HĐND tỉnh cần không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND tỉnh để vận dụng vào thực tiễn, cùng HĐND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Ba là, bảo đảm chế độ, chính sách, phương tiện hoạt động, coi trọng việc cung cấp thông tin, tư liệu cho đại biểu. Căn cứ vào quy định của pháp luật, chế độ chính sách do Trung ương quy định, thực tế khả năng của địa phương, bảo đảm cho đại biểu HĐND tỉnh các chế độ theo quy định. Tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các trang thiết bị bảo đảm là phương tiện hữu hiệu phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh.

Bốn là, chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu. Thường trực HĐND tỉnh chủ động phối hợp với Ban Công tác đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề cho đại biểu, chuyên đề cần được lựa chọn kỹ, sát thực với yêu cầu hoạt động của đại biểu, tài liệu tập huấn được biên tập kỹ, trọng tậm, trọng điểm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh trong thời gian tới./.

Phạm Thị Minh Xuân
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục