Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phối hợp tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIV do Ban Dân nguyện vừa tổ chức, các ĐBQH nhấn mạnh, các giải pháp được thực hiện lâu nay vẫn đúng nhưng điều quan trọng nhất là cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân phải thực sự tận tâm, không trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Không để công dân phải chờ… được tiếp
Theo báo cáo của Ban Tiếp công dân Trung ương, so với thời gian giữa 2 kỳ họp trước, số lượt người tiếp tại trụ sở tăng 59%, số vụ việc tăng 33,6% và số lượt đoàn đông người giảm 13%. Nội dung khiếu kiện chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực hành chính với 1.302 vụ việc, chiếm đến hơn 72% tổng số vụ việc khiếu kiện. Đáng chú ý là, một số đối tượng đã lợi dụng tình hình khiếu kiện, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích, gây ảnh hưởng đến an ninh - trật tự xã hội. Qua tiếp công dân, Ban Tiếp công dân Trung ương đã kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý 25 vụ việc phức tạp. Bên cạnh việc thực hiện tiếp công dân và xử lý đơn thư trực tiếp tại Trụ sở, Ban Tiếp công dân Trung ương đã thành lập Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại tố cáo tại một số tỉnh; phối hợp với lực lượng công an để nắm tình hình khiếu kiện của công dân trên địa bàn Thủ đô và tại trụ sở, đặc biệt trong thời gian trước Tết và thời gian diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.
Cũng theo đại diện Ban Tiếp công dân Trung ương, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIV và trong thời gian diễn ra kỳ họp, dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân sẽ còn diễn biến phức tạp đòi hỏi các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức tiếp công dân. Trong đó, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các cơ quan tiếp công dân tại Trụ sở; bố trí đủ cán bộ công chức có kinh nghiệm để làm nhiệm vụ thường xuyên theo đúng lịch tiếp dân của từng cơ quan, khi có công dân khiếu kiện đông người thì phải bố trí tăng cường cán bộ công chức làm nhiệm vụ tiếp dân, không để tình trạng công dân lưu lại dài ngày tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vì lý do phải chờ được tiếp. Trong trường hợp cần thiết, trụ sở sẽ tổ chức đi kiểm tra các vụ việc phức tạp, kéo dài, đông người tại địa phương để đôn đốc việc giải quyết; tăng cường nắm bắt tình hình tại địa phương và phối hợp với địa phương tổ chức đối thoại với công dân ngay tại cơ sở nhằm hạn chế việc công dân tập trung đông người tại Thủ đô.
Đối với các địa phương, đại diện Ban Tiếp công dân Trung ương đề nghị, cần thực hiện nghiêm Công văn số 3714 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết tình trạng công dân tập trung khiếu nại, tố cáo phức tạp ở Hà Nội; thành lập Tổ công tác có đủ thẩm quyền để phối hợp xử lý tình huống khi có yêu cầu của trụ sở Tiếp công dân Trung ương; chủ động thành lập Tổ công tác sẵn sàng phối hợp với Trụ sở tại Hà Nội trong việc tiếp công dân, vận động, hỗ trợ, có biện pháp hữu hiệu đưa công dân trở về địa phương khi có yêu cầu của Trụ sở...
Chính quyền lúng túng, người dân “nuôi” hy vọng?
Những giải pháp trên đây, theo các đại biểu tại hội nghị của Ban Dân nguyện, không có gì mới, vẫn được thực hiện từ trước đến nay. Vậy thì tại sao, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp? Nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. Ở một số nơi, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, nhất là ở cấp huyện, cấp xã chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa xem xét giải quyết vấn đề từ gốc. Thậm chí, còn có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện, dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Từ thực tế tại cơ sở, đại diện Công an quận Ba Đình, TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính vẫn là do không giải quyết dứt điểm tại địa phương; có trường hợp lãnh đạo địa phương tránh né không muốn tiếp xúc với người dân, giao cấp cho phó tiếp dân nên đã làm mất lòng tin của người dân. Nếu giải quyết thỏa đáng, giải thích hợp tình, hợp lý ngay từ địa phương thì không xảy ra tình trạng người dân mất lòng tin và khiếu kiện lên cấp cao hơn.
Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh, quan trọng nhất trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chính là phải tạo dựng được lòng tin cho người dân. Nếu các cơ quan có thẩm quyền phối hợp tốt với nhau, xem xét giải quyết kịp thời, đúng chính sách, có tình, có lý ngay từ đầu thì người dân đồng tình; ngược lại sẽ dẫn đến phức tạp và khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Đúng là do chưa thực hiện tốt công tác tiếp dân, chưa làm tốt công tác giải quyết kiếu nại tố cáo của công dân từ cơ sở, song câu hỏi đặt ra là, trách nhiệm trong câu chuyện này có hoàn toàn ở chính quyền cơ sở hay không? Phó Trưởng ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương cho rằng, ngoài trách nhiệm các địa phương trong việc giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tố cáo thì các cơ quan trung ương và địa phương cũng cần có tiếng nói chung khi trả lời, giải quyết các khiếu nại của người dân. Cùng với đó, các bộ, ngành cần quan tâm giải quyết đơn, thư do Đoàn ĐBQH hoặc cấp dưới chuyển lên, tránh viện dẫn điều khoản chung chung, khó vận dụng vì các văn bản trả lời như vậy không chỉ làm chính quyền địa phương tiếp tục lúng túng trong xử lý, mà còn dẫn đến tình trạng “nuôi” hy vọng cho người dân về việc khiếu nại, tố cáo.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là nhiệm vụ không dễ dàng. Vì thế, cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân phải thực sự tận tâm, không trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm.