Phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động tiếp xúc cử tri

Tiếp xúc cử tri và liên hệ với cử tri là một nhiệm vụ, hoạt động quan trọng của đại biểu HĐND. Làm tốt công tác tiếp xúc cử tri có ý nghĩa rất lớn đổi với việc bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

Thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang có nhiều đổi mới, luôn được tiến hành một cách chặt chẽ và hiệu quả. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch, tổ chức 16 đợt tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND tỉnh tại 502 điểm.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Chẩu Văn Lâm với cử tri xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa (tháng 11/2019).

Theo kế hoạch của Thường trực HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu phân công 2 đến 3 đại biểu cho một điểm tiếp xúc cử tri; trong mỗi đợt, một đại biểu tham gia tiếp xúc cử tri tại một đến hai điểm; bình quân từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mỗi đại biểu đã thực hiện tiếp xúc cử tri tại 16 điểm. Trước kỳ họp, điểm tiếp xúc cử tri được bố trí tại thôn, tổ dân phố để nắm bắt những ý kiến của cử tri trực tiếp tại cơ sở; thành phần tham dự là lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của xã; cử tri của thôn, tổ dân phố sở tại và một số thôn, tổ dân phố lân cận. Sau kỳ họp điểm tiếp xúc cử tri được bố trí tại trung tâm xã để tuyên truyền, báo cáo kết quả kỳ họp, các nghị quyết đã được thông qua tới đông đảo cử tri là đầu mối, cầu nối tuyên truyền đến nhân dân; thành phần là lãnh đạo, công chức xã, phường, thị trấn, bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng các tổ dân phố, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước, viên chức trường học, trạm y tế…trên địa bàn. Lãnh đạo UBND, lãnh đạo các phòng, ban của huyện, thành phố tham gia và trực tiếp giải đáp, trả lời các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền ngay tại hội nghị tiếp xúc cử tri.

Nhìn chung, các cuộc tiếp xúc cử tri đều thu hút được sự quan tâm của nhân dân; cử tri tham dự đa dạng về thành phần, nghiêm túc, có nhiều ý kiến, kiến nghị với tính xây dựng cao; tương tác giữa cử tri và đại biểu cởi mở, dân chủ, công khai, hiểu biết lẫn nhau; bình quân tại mỗi cuộc tiếp xúc cử tri có từ 7 đến 10 cử tri phát biểu, có điểm tới gần 20 ý kiến. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, đã có 2.136 ý kiến, kiến nghị trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được tiếp thu, giải trình, trao đổi tại chỗ, sau đó được tổng hợp đầy đủ báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh để chuyển các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, trả lời. Qua các cuộc giám sát cho thấy 100% các ý kiến, kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến đã được UBND và cơ quan chức năng các cấp xem xét, giải quyết, trả lời; hầu hết các kiến nghị có đủ điều kiện, cơ sở để giải quyết (chiếm khoảng 30 đến 40% tổng số ý kiến, kiến nghị) đều đã được giải quyết xong hoàn toàn trong hạn định; số còn lại chưa giải quyết được ngay là do chưa có nguồn lực hoặc chưa có chính sách, quy định, các cơ quan chức năng đều có báo cáo và trả lời rõ đến cử tri.


Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn với cử tri xã Thái Long, Thành phố Tuyên Quang (tháng 11/2019).

Hoạt động tiếp xúc cử tri, giải quyết và trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri có tác động tích cực đến công tác quản lý nhà nước và việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Từ kiến nghị của cử tri, nhiều vấn đề đã được cấp ủy, chính quyền xem xét, nghiên cứu, trở thành cơ sở để ban hành các chính sách, biện pháp đặc thù mang lại hiệu quả cao trong huy động, khai thác các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa, dịch vụ, đầu tư hạ tầng; ban hành các quy định chặt chẽ, hiệu quả hơn trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản; bảo đảm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều kiến nghị cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền lợi của công dân như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết chế độ chính sách…đã được kịp thời xem xét, giải quyết thỏa đáng, từ đó góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân của các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức; tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao vai trò của đại biểu HĐND và HĐND.

Tuy nhiên, hoạt động tiếp xúc cử tri cũng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh; như: Hình thức, thời gian, nội dung, thành phần tham gia hiện còn đơn điệu, ít tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, do vậy có những vấn đề cử tri đang quan tâm, nhưng chậm được cung cấp thông tin, giải thích từ người đại diện do mình bầu ra và từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên bị kéo dài trở thành bức xúc; có vấn đề lớn liên quan đến chủ trương, chính sách, những vấn đề được xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh nhưng ít được cử tri quan tâm, tham gia ý kiến; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp, chuyển ý kiến, giải quyết ý kiến và giám sát việc giải quyết các ý kiến kiến nghị của cử tri có lúc chưa đồng bộ, chặt chẽ …   

Từ thực tiễn cho thấy, để bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri, cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể liên quan trực tiếp đến hoạt động này. Trước hết, Thường trực HĐND cần phối hợp chặt chẽ với các Tổ đại biểu HĐND để chỉ đạo, tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri theo quy định; trong đó chú ý xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm và trong từng đợt để đại biểu và các cơ quan liên quan chủ động chuẩn bị, thực hiện; chuẩn bị nội dung tài liệu sớm, đầy đủ, bảo đảm chất lượng; tiếp nhận và tổng hợp kịp thời, chính xác, đầy đủ kiến nghị của cử tri qua phản ánh của đại biểu, Tổ đại biểu để chuyển các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời, trong đó chú ý phân loại và thời hạn giải quyết cụ thể, phù hợp đối với từng loại ý kiến; có biện pháp để chuyển tải được kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan chức năng đến cử tri, nơi có kiến nghị của cử tri. Cần tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề về những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, những vấn đề bức xúc ở địa phương, từ đó thu hút  được nhiều ý kiến đóng góp thực chất, sát với đời sống cơ sở, sự quan tâm, kỳ vọng của người dân. Cùng với đó, Thường trực HĐND, các Tổ và đại biểu HĐND thường xuyên đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; coi trọng việc giám sát theo chuyên đề, theo đợt và thảo luận về báo cáo kết quả giám sát trình trước các kỳ họp HĐND; đồng thời cần tăng cường hơn sự giám sát trực tiếp của đại biểu và Tổ đại biểu.

Đối với đại biểu HĐND, là trung tâm của cuộc tiếp xúc cử tri, bên cạnh thực hiện tiếp xúc cử tri theo kế hoạch, cần chủ động tiếp xúc cử tri nơi cư trú, làm việc hoặc trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với cử tri; trong tiếp xúc cử tri chú ý kỹ năng thuyết trình, truyền tải nội dung ngắn gọn, xúc tích, trọng tâm, đồng cảm với tâm lý, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri…; tích cực nghiên cứu chính sách, pháp luật, hiểu biết về mọi lĩnh vực; tìm hiểu về thành phần tham dự buổi tiếp xúc, các vấn đề liên quan đến địa bàn tổ chức tiếp xúc, cử tri quan tâm, những kiến nghị từ các kỳ tiếp xúc trước và kết quả giải quyết, trả lời…để giải thích các vấn đề thuộc về chính sách, pháp luật, những vụ việc đã được cấp có thẩm quyền giải quyết.

Đối với cơ quan hành chính nhà nước các cấp phải cử lãnh đạo, cán bộ có năng lực, thẩm quyền dự và trả lời các kiến nghị của cử tri. Tiếp thu và giải quyết, trả lời bằng văn bản các kiến nghị của cử tri; trong đó đặc biệt chú ý giải quyết ngay những nội dung, vấn đề đã đủ cơ sở, điều kiện giải quyết, hoặc cần giải quyết ngay để tránh phát sinh trở thành vụ việc phức tạp, bức xúc. Đồng thời nghiên cứu để có biện pháp phù hợp với các kiến nghị cần có thời gian, nguồn lực và chính sách cụ thể.

Đối với cử tri, nêu cao tinh thần làm chủ thông qua đại diện là đại biểu Hội đồng nhân dân do mình bầu ra; thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri; tham gia và chấp hành nghiêm túc quy định tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu; kiến nghị, phản ánh chính xác, trung thực với tinh thần xây dựng; tiếp nhận kết quả trả lời và phản ánh lại những nội dung mình thấy chưa thỏa đáng, hoặc chậm được giải quyết, trả lời...

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, các Tổ đại biểu HĐND, chính quyền và các cơ quan nhà nước trong triển khai kế hoạch tiếp xúc cử tri, thông báo rộng rãi đến cử tri về thời gian, địa điểm tổ chức tiếp xúc cử tri để cử tri biết và tham dự, tránh việc thông báo không đầy đủ hoặc hạn chế thành phần, số lượng cử tri đến dự tiếp xúc cử tri; làm tốt vai trò chủ trì, điều hành buổi tiếp xúc cử tri; tổng hợp đầy đủ, chính xác ý kiến kiến nghị của cử tri, gửi Thường trực HĐND và các cơ quan liên quan theo quy định…

Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu hội đồng nhân dân không phải là công việc mới, nhưng để hoạt động này thực chất và hiệu quả thì mỗi chủ thể liên quan phải thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trước pháp luật và cử tri; đặc biệt là đại biểu Hội đồng nhân dân phải tâm huyết trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, lắng nghe, chia sẻ, giám sát đến cùng việc giải quyết, trả lời những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri. Có như vậy, đại biểu Hội đồng nhân dân mới thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật./.

PVL

Tin cùng chuyên mục