Nội dung chính của các Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong 18 ngày và được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, đồng thuận cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp với kết quả: thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về 4 dự án luật; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII (chất vấn và trả lời chất vấn); xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, nhân sự; thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xem xét các báo cáo kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và một số báo cáo quan trọng khác. Nội dung chính của các luật như sau:

1. Luật Bảo vệ môi trường, được sửa đổi nhằm tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm nguyên tắc mọi người dân được sống trong môi trường trong lành. Luật gồm 16 chương, 171 điều (giảm 4 chương, tăng 1 điều so với Luật hiện hành) với các nội dung mới về: Đánh giá sơ bộ tác động môi trường; giấy phép môi trường; đăng ký môi trường; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ; quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm; ứng phó biến đổi khí hậu; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường; quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường,… Đối với quy định về phân loại rác thải sinh hoạt, Nhà nước sẽ có chính sách khuyến khích hộ gia đình, cá nhân phân loại rác thải sinh hoạt và chuyển giao đến nơi quy định để xử lý; tăng cường tái chế, tái sử dụng rác thải. Luật giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất là trước ngày 31/12/2024,...

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Khoản 3 Điều 29 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.

2. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, được sửa đổi nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thúc đẩy, phát triển hoạt động này trên cơ sở nguyên tắc của thị trường trong bối cảnh lực lượng lao động Việt Nam đang có xu hướng giảm và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Luật gồm 08 chương, 74 điều (giảm 06 điều so với Luật hiện hành), trong đó, đã bổ sung một số quy định mới nhằm bảo vệ tốt hơn cho người lao động; nâng điều kiện được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về năng lực tài chính, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Bỏ quy định hạn chế về số lượng chi nhánh mà doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ thực hiện một số nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quy định rõ hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bãi bỏ một số thủ tục hành chính, đơn giản hóa, giảm thời hạn giải quyết nhiều thủ tục hành chính trong Luật hiện hành,...

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

3. Luật Cư trú, được sửa đổi nhằm tiếp tục thể chế hóa quyền tự do cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Luật gồm 7 chương, 38 điều (tăng 1 chương, giảm 3 điều so với Luật hiện hành). Một trong những điểm mới quan trọng của Luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sang quản lý điện tử bằng việc sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú có sự kết nối, liên thông trên toàn quốc thông qua việc sử dụng số định danh cá nhân gắn với từng công dân. Theo đó đã cải tiến, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính. Người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải đáp ứng điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người. Luật quy định việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều áp dụng các điều kiện như nhau, không sự phân biệt giữa địa bàn tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương như hiện tại. Kể từ ngày Luật có hiệu lực, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng làm giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022 nhằm có thời gian để người dân quen dần với phương thức quản lý mới và tránh áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành,...

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2021. Để bảo đảm cho việc thi hành, Luật Cư trú cũng cho phép kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng làm giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022 nhằm có thời gian để người dân quen dần với phương thức quản lý mới và tránh việc dồn áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật có hiệu lực thi hành.

4. Luật Biên phòng Việt Nam, được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới. Luật gồm 6 chương, 36 điều quy định về: chính sách của Nhà nước, nguyên tắc, lực lượng thực thi nhiệm vụ, hoạt động cơ bản về biên phòng; lực lượng bộ đội biên phòng; trách nhiệm, chế độ, chính sách của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; bảo đảm biên phòng và chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về biên phòng,...

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

5. Luật Thỏa thuận quốc tế, được ban hành nhằm đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế trong tiến trình hội nhập quốc tế. Luật gồm 7 chương 52 điều quy định về: nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; việc ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế theo trình tự, thủ tục rút gọn,...

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2021.

6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm hành chính trong tình hình mới. Luật đã sửa đổi, bổ sung 71 điều, bỏ 03 điều và sửa đổi về kỹ thuật liên quan đến 10 điều khác của Luật hiện hành. Trong đó, sửa đổi tên, bổ sung, nâng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực; sửa đổi tên, bổ sung hoặc bãi bỏ thẩm quyền xử phạt của một số chức danh. Sửa đổi thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của một số chức danh và một số quy định về trình tự, thủ tục xử phạt, việc hoãn, miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính cho tổ chức. Sửa đổi, bổ sung quy định về: đối tượng bị áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; tạm giữ người, tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính,...

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

7. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam. Luật đã sửa đổi, bổ sung 15 điều và bãi bỏ 2 điều của Luật hiện hành, trong đó đã bổ sung một số đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; đối tượng được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV; biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV; giảm độ tuổi được yêu cầu xét nghiệm HIV tự nguyện xuống từ đủ 15 tuổi; mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao trong một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Xác định nguồn chi trả chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS,...

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2021.

TH

Tin cùng chuyên mục