Thực tế công tác phòng chống ma túy thời gian qua cho thấy nhận thức là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng phần lớn tới việc gia tăng hay giảm số các vụ việc có liên quan đến ma túy. Đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh, căn cốt nhất vẫn là công tác tuyên truyền, để tất cả mọi người đều nhận thức được sự nguy hiểm từ ma túy. Những năm qua công tác tuyên truyền phòng chống ma túy và tội phạm ma túy, đặc biệt là tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên luôn được Chính phủ, bộ, ngành quan tâm và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như: tài liệu tuyên truyền giáo dục còn thiếu và cũ, nội dung và biện pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục chưa sáng tạo, không phong phú, thiếu sức thu hút, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để thay đổi nhận thức, tác động đến hành vi của mỗi người…
Đại biểu Ma Thị Thúy thảo luận |
Đại biểu Ma Thị Thúy dẫn chứng, với nhiều loại ma túy, nhiều đối tượng sử dụng như hiện nay việc phòng chống cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền cần được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn, do đó việc sửa đổi luật lần này phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để phòng ngừa nhất là với đối tượng trẻ tuổi, học sinh sinh viên… Đại biểu đề xuất trong việc sửa luật lần này cần thiết kế một chương về tuyên tuyền phòng chống ma túy. Nếu vẫn thiết kế cho từng chủ thể như các điều luật được thể hiện tại chương II thì cần nêu rõ trách nhiệm của các chủ thể đó đối với nhiệm vụ tuyên truyền. Trong đó, quy định rõ nội dung, cách thức tuyên truyền gắn với chủ thể tuyên truyền với từng đối tượng trong xã hội như: học sinh, sinh viên, đối tượng là thanh, thiếu niên, các cơ quan, trường học, ở các cấp học, doanh nghiệp, tại vùng nông thôn…
Với nhà trường, môi trường học tập, sinh hoạt chủ yếu của các em thì rất cần có chương trình giáo dục, tuyên truyền thường xuyên về phòng chống ma túy cũng như tác hại của ma túy và phải tăng thời lượng đối với những chương trình này. Vì vậy, đối với trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục được quy định tại điều 8, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Ban soạn thảo cần phải xác định rất cụ thể: nội dung nào về tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy, phương thức thủ đoạn lôi kéo học sinh vào con đường ma túy, để từ đó các em biết cách phòng tránh; xem xét quy định trong chương trình tuyên truyền giáo dục pháp luật phải có nội dung về phòng chống ma túy hay không, hoặc đưa nội dung truyền thông phòng chống ma túy vào chương trình học bắt buộc cho học sinh, sinh viên, giáo viên ở các cấp học.
Riêng với trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp quy định tại điều 7 có 3 khoản đã có nhưng còn chung chung, không rõ ràng đối với từng đối tượng. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn và thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đồng thời phải thiết kế tách mỗi tổ chức thành 1 khoản riêng. Bởi mỗi tổ chức có các thành viên, hội viên, đoàn viên riêng. Đặc biệt là tổ chức đoàn thanh niên, vì tình hình nghiện ma túy ở lứa tuổi trẻ hết sức đáng lo ngại… cần tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền tác hại của ma túy tới các hội viên, đoàn viên, công nhân, người lao động… Công tác tuyên truyền phải được giao nhiệm vụ cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ được quy định ngay trong luật thì mới thực sự hiệu quả.