Đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận phiên họp giải trình (ngày 25/10/2018) |
Thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Đề án, kế hoạch thực hiện cơ chế chính sách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Các sở, ngành có liên quan đã ban hành 08 văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai đồng bộ các chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh, các văn bản hướng dẫn của các sở, ngành của tỉnh đến các phòng ban, cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, nhân dân trên địa bàn và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện.
Sau gần 05 năm triển khai thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã tạo chuyển biến trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản suất hàng hóa tập trung, được nhân dân phấn khởi, đồng tình ủng hộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2018 giá trị sản suất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3.429,1 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng bình quân giai đoạn 2015-2017 là 4,02%/năm. trong đó: Nông nghiệp tăng bình quân 3,95%/năm; Lâm nghiệp tăng bình quân 4,54%/năm; Thủy sản tăng bình quân 3,75%/năm. Tỷ trọng giá trị nông sản hàng hóa chủ lực/tổng giá trị sản suất nông, lâm, thủy sản đạt 55,53%, tăng 3% so với năm 2015; Giá trị sản suất bình quân/ha canh tác năm 2017 đạt 78,9 triệu đồng/ha, tăng 1,15 lần. Tỷ trọng về sản phẩm chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại/tổng sản phẩm chăn nuôi năm 2017 đạt 31,6%, tăng 16,43% so với năm 2015; Tỷ trọng giá trị cá đặc sản/tổng giá trị sản phẩm thủy sản năm 2017 đạt 11,9%, tăng 2,04% so với năm 2015; Tỷ lệ diện tích cam, chè, mía được tưới chủ động đạt 8,2% tổng diện tích.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nông nghiệp hàng hóa ở một số địa phương, đơn vị còn hạn chế; sự phối hợp giữa cấp và ngành trong thực hiện nhiệm vụ có lúc chưa chặt chẽ; một số văn bản hướng dẫn của liên ngành chưa đồng bộ; tiến độ thẩm định, thanh toán kinh phí hỗ trợ lãi suất tiền vay cho người dân còn chậm; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chưa đạt yêu cầu. Việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Hạ tầng, năng lực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn thấp, nhiều đề tài dự án được thực hiện nhưng chưa phát huy hiệu quả.
Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra với mục tiêu “Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hoá hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực; Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21%; Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4%/năm; Giá trị xuất khẩu hàng hóa trên 135 triệu USD” và tiếp tục duy trì, giữ vững những chỉ tiêu, kế hoạch phát triển nông nghiệp hàng hóa với các sản phẩm chủ lực (gồm: Cam, chè, mía, lạc, gỗ rừng trồng, trâu và cá đặc sản) nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững. Ủy ban nhân dân tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành. Tăng cường quảng bá xúc tiến thương mại, tìm kiếm doanh nghiệp thực hiện liên kết với các Hợp tác xã, nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hoá đảm bảo ổn định, bền vững. Phấn đấu mỗi xã, phường một sản phẩm, mỗi huyện, thành phố có từ một đến hai sản phẩm chủ lực.
Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn; tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, giải quyết khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển các thương hiệu sản phẩm chủ lực và đặc sản của tỉnh. Quản lý chặt chẽ việc thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản bảo đảm phát huy hiệu quả sau nghiên cứu.
Hàng năm xây dựng kế hoạch kinh phí hỗ trợ thực hiện nghị quyết cùng kỳ với kỳ xây dựng kế hoạch ngân sách. Chi trả tiền hỗ trợ lãi suất cho người dân đúng thời gian quy định.
Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Tham mưu thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hoá đối với một số cây trồng, vật nuôi chủ lực. Tập trung khuyến khích xây dựng nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm. Cung ứng kịp thời giống cây lâm nghiệp chất lượng cao đảm bảo thời vụ, nhu cầu của nhân dân. Phối hợp với các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tháo gỡ những khó khăn, chấn chỉnh những tồn tại trong quá trình thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh trên địa bàn. Điều chỉnh, bổ sung hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 10/2014/NQ-HĐND, Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh (xong trước ngày 30/11/2018).
Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tham mưu kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách mới có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thụ hưởng chính sách của Nhà nước./.