Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Sơn Dương. Qua giám sát cho thấy: Trong 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch công tác đề ra và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tòa án nhân dân các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Sơn Dương đã thụ lý 831 vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại; đã giải quyết 586 vụ (đạt tỷ lệ 65%). Việc giải quyết, xét xử các loại vụ vụ án đã có tiến bộ về tiến độ và chất lượng, trú trọng và nâng cao chất lượng tranh tụng. Xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp xét xử oan, không bỏ lọt tội phạm. Công tác hòa giải trong giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân gia đình đạt tỷ lệ cao (Chiêm Hóa 72,3%; Sơn Dương 70%). Thực hiện tốt các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án và công tác thi hành án hình sự. Kết quả nêu trên góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hành quyền tư pháp; bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Tòa án và địa phương.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Sơn |
Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự được tiến hành chặt chẽ ngay từ khi thụ lý kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong các giai đoạn tố tụng. Ban hành kịp thời các kháng nghị, kiến nghị đối với các cơ quan tư pháp trong việc đảm bảo thực hiện quy định pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa đề nghị cơ quan điều tra khởi tố 115 vụ/230 bị can (tăng 15 vụ/45 bị can) tập trung chủ yếu nhóm tội phạm về trật tự xã hội, ma túy...góp phần ổn định và giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Các cơ quan tư pháp có phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, xây dựng và thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, thống nhất tháo gỡ kịp thời những vụ án, vụ việc có khó khăn, vướng mắc; hạn chế được tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế như: Chất lượng giải quyết một số vụ án dân sự, hôn nhân gia đình còn hạn chế, một số vụ án dân sự thụ lý từ năm 2017 đến nay chưa giải quyết dứt điểm. Tỷ lệ kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm chưa cao; công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự và thi hành án dân sự có lúc chưa sát sao, kịp thời.
Qua giám sát, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh đã kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế đồng thời ghi nhận những vướng mắc, khó khăn của các cơ quan tư pháp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Trong thời gian tới, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân hai cấp cần tập trung lãnh đạo và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đề ra các giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đặc biệt các giải pháp mang tính đột phá. Nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ án kéo dài và tạm đình chỉ, không để án quá hạn luật định. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan tư pháp thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng học tập và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.