Đoàn đại biểu Quốc hội khảo sát chuyên đề trên địa bàn huyện Sơn Dương và Thành phố Tuyên Quang

Trong hai ngày 14 và 15/9/2021, Đoàn khảo sát số 09 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Ma Thị Thuý, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh làm Trưởng đoàn cùng các đồng chí thành viên Đoàn khảo sát tiếp tục làm việc với UBND huyện Sơn Dương và UBND thành phố Tuyên Quang về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tại các buổi làm việc, sau khi nghe đại diện UBND huyện Sơn Dương, UBND thành phố Tuyên Quang báo cáo nội dung khảo sát, các thành viên Đoàn khảo sát đã trao đổi, thảo luận làm rõ kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn. Qua khảo sát cho thấy, cấp uỷ, chính quyền huyện Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang đã bám sát văn bản chỉ đạo của các cấp; chủ động, kịp thời triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tại huyện Sơn Dương, Đoàn khảo sát ghi nhận huyện đã tích cực triển khai thực hiện hỗ trợ các chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Huyện đã triển khai thực hiện hỗ trợ đối với 49 đối tượng với tổng số tiền 143,26 triệu đồng, trong đó: Hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế tập trung 24 người, với số tiền 63,84 triệu đồng; Hỗ trợ đối tượng người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động cho 02 người, với số tiền 10,42 triệu đồng; hỗ trợ hộ kinh doanh 23 hộ, với số tiền 69,0 triệu đồng. Hiện nay, các tổ giám sát Covid-19 cộng đồng trên địa bàn huyện đang khẩn trương rà soát, hỗ trợ, hướng dẫn các các đối tượng được hưởng chính sách kê khai và hoàn thiện hồ sơ gửi UBND huyện thẩm định, xem xét phê duyệt theo quy định


 

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Ma Thị Thúy và các thành viên trong đoàn làm việc với UBND thành phố Tuyên Quang.

Tại thành phố Tuyên Quang đã thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của  tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; đồng thời, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm sáng tạo giúp người dân sớm được tiếp cận được các chính sách hỗ trợ. Tính đến 20/8/2021, thành phố đã triển khai thực hiện hỗ trợ đối với 350 đối tượng, với tổng số tiền hỗ trợ là 1.008,17 triệu đồng, trong đó: Hỗ trợ 03 đối tượng người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động với số tiền 12,13 triệu đồng; hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế tập trung 29 người với số  tiền 42,04 triệu đồng; hỗ trợ 318 hộ kinh doanh phải tạm dừng kinh doanh với số tiền 954 triệu đồng.


Đoàn khảo sát thực tế tại Công ty TNHH K-Star Vina chi nhánh Tuyên Quang thuộc cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).

Đi thực tế và trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang, thuộc cụm công nghiệp Long Bình An, thành phố Tuyên Quang; Công ty TNHH K-Star Vina chi nhánh Tuyên Quang thuộc cụm công nghiệp Phúc Ứng, huyện Sơn Dương và một số hộ gia đình kinh doanh trên địa bàn, Đoàn khảo sát nhận thấy các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đến tay được đối tượng thụ hưởng. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đánh giá cao tính nhân văn của các chính sách hỗ trợ, đã hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc tiếp thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để có thể duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn do Covid-19 gây ra.


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Ma Thị Thúy và các thành viên trong đoàn khảo sát, nắm tình hình thực tế tại Công ty TNHH Gang Thép Tuyên Quang.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn khảo sát cũng ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: Hồ sơ đề nghị hỗ trợ một số đối tượng người đã điều trị Covid-19 (F0, F1) còn thiếu giấy biên nhận tiền ăn tại cơ sở y tế đã điều trị, hoặc có giấy xác nhận thu tiền ăn, nhưng chỉ là giấy viết tay của căng tin bệnh viện; Đối tượng từ vùng dịch về địa phương (không phải là F1) phải cách ly y tế không được hỗ trợ tiền ăn, do đó nhiều đối tượng đã ở trong khu cách ly tập trung của huyện, thành phố sau khi hết thời gian cách ly về nhà vẫn chưa nộp tiền ăn cho cơ sở cách ly y tế.Tại thành phố Tuyên Quang, Hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với hộ kinh doanh phải tạm hoãn kinh doanh còn vướng mắc như: Họ và tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ghi tên vợ, nhưng đăng ký thuế lại mang tên chồng, con trong gia đình và ngược lại; một số hộ kinh doanh có hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ nhưng thời điểm đăng ký kinh doanh lại thực hiện tại thời điểm trong thời gian hộ kinh doanh phải nghỉ kinh doanh, hoặc sau thời gian phải nghỉ kinh doanh…

Phát biểu tại các buổi làm việc, đồng chí Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh, Trưởng Đoàn khảo sát đề nghị lãnh đạo huyện Sơn Dương, lãnh đạo thành phố Tuyên Quang tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra, vào địa bàn và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19; khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ đến các đối tượng thụ hưởng; Tăng cường công tác tuyên truyền, giao trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện, tuyên truyền đến các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn được biết quyền lợi từ các chính sách; đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các vướng mắc để thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định. Trong quá trình thực hiện cần lưu ý công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo việc chi trả được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng./.

Phòng Công tác Quốc hội
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục