Khai thác tiềm năng, thế mạnh
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện các mục tiêu nghị quyết đại hội, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, Đảng bộ huyện Lâm Bình đã tập trung lãnh đạo đạt được những kết quả quan trọng, tạo đà để hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết tại Đại hội đề ra. Trong đó nổi bật là kiểm soát tốt dịch bệnh, đưa du lịch phục hồi và phát triển.
Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững của huyện là một trong hai khâu đột phá mà Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ II đặt ra. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện, ngành du lịch đã có sự chuyển biến rõ nét, bước đầu hình thành các khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện, nổi bật là du lịch cộng đồng (Homestay).
Lễ hội Khinh khí cầu được tổ chức tại huyện Lâm Bình thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
Huyện tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch như: Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch theo hướng tập trung đẩy mạnh khai thác tiềm năng về sinh thái cảnh quan thiên nhiên độc đáo và bản sắc văn hóa dân tộc. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, khai thác các khu, điểm du lịch và các loại hình du lịch có tiềm năng, lợi thế; hợp tác đầu tư, chia sẻ lợi ích với các hộ dân trong quản lý và khai thác loại hình du lịch cộng đồng. Nhờ đó, huyện Lâm Bình đã thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho Nhân dân trong huyện.
Ngoài được hỗ trợ cho phát triển du lịch theo chính sách của tỉnh, hàng năm huyện bố trí ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Từ nguồn ngân sách địa phương huyện đầu tư xây dựng, cải tạo 6 công trình gồm: Xây dựng đường điện, rãnh thoát nước, vỉa hè và trồng cây xanh đoạn đường từ Phòng khám Đa khoa khu vực Thượng Lâm đến chân đèo Kéo Nàng, xã Khuôn Hà; trồng cây xanh cảnh quan 2 bên đường từ Trường Tiểu học Khuôn Hà đến đèo Kéo Ráo, xã Khuôn Hà; đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu du lịch sinh thái huyện Lâm Bình; tôn tạo di tích khảo cổ Đền Nà Thếm, thôn Kà Nò, xã Khuôn Hà…
Để nâng cao chất lượng du lịch, hàng năm huyện quan tâm đến công tác đào tạo nguồn lực trong du lịch. Từ đầu năm đến nay từ việc lồng ghép nhiều nguồn vốn huyện đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho hơn 200 học viên là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch các kỹ năng làm du lịch.
Đồng chí Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình cho biết, huyện đã tận dụng tốt lợi thế sẵn có của địa phương, từng bước phát triển du lịch theo hướng bền vững, thể hiện ở số lượng khách du lịch đến với địa phương không ngừng tăng. Cụ thể, năm 2021 huyện đón trên 79.000 lượt khách, tổng doanh thu xã hội về du lịch đạt trên 63 tỷ đồng; năm 2022 huyện đón trên 146.000 lượt khách, tổng doanh thu xã hội về du lịch đạt trên 131 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 đón trên 82.000 lượt khách, tổng doanh thu xã hội về du lịch đạt trên 85 tỷ đồng. Kế hoạch trong năm 2023 huyện đón khoảng 151.000 lượt khách, bằng 75,5% mục tiêu nhiệm kỳ.
Anh Vũ Văn Chính (Hà Nội) chia sẻ "Đây là lần thứ 2 tôi đến du lịch Lâm Bình, với tôi mỗi lần đến đây tôi lại có thêm những trải nghiệm thú vị. Ngoài được thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây, tôi được trải nghiệm các hoạt động du lịch mới như: Chèo thuyền Kayak; đạp xe; khám phá rừng nguyên sinh, thác nước, hang động kỳ vĩ; có thêm những điểm chụp ảnh check - in mới rất thú vị…".
Phát triển du lịch bền vững
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón trên 200.000 lượt khách du lịch, doanh thu xã hội đạt trên 160 tỷ đồng, Lâm Bình đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông kết nối du lịch cụ thể như: Nâng cấp, cải tạo đường ĐT.188 từ huyện Chiêm Hóa đến xã Thổ Bình; cải tạo, nâng cấp đường giao thông thị trấn Lăng Can - xã Phúc Yên; cải tạo, nâng cấp đường giao thông ĐT.185 từ Phòng khám Đa khoa Thượng Lâm đến chân đèo Ái Âu; đường Tát Nga, xã Phúc Yên ra bến thủy khu vực thôn Nà Năm; đường từ ngã ba Nà Tông, xã Thượng Lâm đi Bến Thủy; đường từ Trường Tiểu học Khuôn Hà đến đèo Kéo Ráo; đường từ thôn Nà Vàng, xã Khuôn Hà đi Bến Thủy xã Thượng Lâm…
Đến Lâm Bình du khách được thưởng thức văn hóa, văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc.
Đồng thời bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; tuyên truyền, quảng bá, đổi mới công tác xúc tiến và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch; hoàn thành các dự án hạ tầng du lịch trọng điểm (đường giao thông từ Trường Tiểu học Khuôn Hà đến đèo Kéo Ráo; Bến Phủng, nâng cấp hạ tầng tại các điểm du lịch cộng đồng). Huyện thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại hoạt động du lịch tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm và tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can. Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, hình thành các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc. Thu hút các nhà đầu tư để phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện.
Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, bền vững, thời gian tới, huyện quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và nâng cao kỹ năng làm du lịch cho nguồn nhân lực tại chỗ. Xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm, các tour du lịch đặc trưng của huyện như du lịch cộng đồng; du lịch trải nghiệm, khám phá hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình; khám phá hang động, thác nước, rừng nguyên sinh.
Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường bảo vệ, chỉnh trang cảnh quan, môi trường sinh thái, trồng bổ sung cây xanh, xây dựng không gian du lịch Lâm Bình "Sạch - xanh - đẹp - an toàn" níu chân du khách đến với Lâm Bình.