Lâm Bình phát triển lợi thế

Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng với những cây trồng, vật nuôi đặc sản là nhiệm vụ trọng tâm mà huyện Lâm Bình đã đề ra nhằm cải thiện đời sống nhân dân, thay đổi diện mạo nông thôn.

Toàn cảnh trung tâm huyện Lâm Bình.

Bằng nhiều giải pháp quy hoạch vùng, xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Lâm Bình đã và đang hình thành những vùng chuyên canh các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa tập trung như: Rau bò khai, rau ngót rừng, giảo cổ lam, lợn đen, dê núi, vịt bầu địa phương, vịt trời, gà ta… bảo đảm nâng cao năng suất, thu nhập trên đơn vị diện tích.

Năm 2017, gia đình ông Hoàng Ngọc Chỉ, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can tham gia dự án trồng cây bò khai, ban đầu đưa vào trồng 300 gốc, sau gần 1 năm trồng đã cho thu hoạch. Ông Chỉ cho biết, rau bò khai là giống cây dễ trồng, ít sâu bệnh, trung bình mỗi tháng được thu hoạch 2 lần, giá bán cho các nhà hàng, quán ăn là 40.000 đồng/kg, mỗi vụ thu hoạch trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên 50 triệu đồng. Hiện ông đang ươm 400 bầu giống, dự kiến sau Tết Nguyên đán sẽ trồng đón xuân.


Mô hình trồng cây rau bò khai của gia đình ông Hoàng Ngọc Chỉ, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can cho thu lãi trên 50 triệu đồng/năm.

 Ông Trương Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Lăng Can cho biết, cây bò khai trước đây bà con chưa chú trọng trồng, chỉ coi như cây dại, nhưng thời gian qua, một số hộ dân trồng rau bò khai và mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều người đã “thuần hóa” loại rau này phục vụ sản xuất hàng hóa. Hiện nay, toàn xã đã có trên 1 ha cây rau bò khai đã cho thu hoạch, xã phấn đấu đến năm 2020 gieo trồng được 2,5 ha rau bò khai, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. 

Xã Thổ Bình có lợi thế phát triển nuôi dê đặc sản, năm 2017, từ nguồn vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã hỗ trợ kinh phí cho 26 hộ gia đình thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản với tổng số 208 con. Chăn nuôi dê đã trở thành nguồn thu nhập chính trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Một số hộ đã ứng dụng kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và chủ động trồng thêm cỏ, dự trữ thức ăn thô xanh để chăn nuôi; phương thức chăn nuôi chuyển dần từ chăn thả truyền thống sang kết hợp với bổ sung thức ăn tại chuồng, bước đầu đã có hiệu quả, mang lại thu nhập khá cho người dân. 


Gia đình anh Ma Đức Tính, thôn Nà Vài, xã Thổ Bình nuôi dê trên núi đá Phia Khan, thu lãi mỗi năm 100 triệu đồng.

Hơn 16 ha bìa rừng phòng hộ, trên núi đá Phia Khan là điều kiện tốt để gia đình ông Ma Công Tuấn, thôn Bản Phú, xã Thổ Bình tham gia Dự án phát triển chăn nuôi dê theo hướng nông nghiệp sạch. Từ 25 con ban đầu của dự án, đến nay số dê của gia đình ông Tuấn đã tăng gấp đôi. Giá bán dê hiện nay dao động từ 110.000 đồng đến 130.000 đồng/kg. Mỗi tháng, ông xuất bán ra thị trường từ 12 đến 15 con dê cho thành phố Hải Phòng, tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh... Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 100 triệu đồng từ nuôi dê.

Theo ông Vi Thế Truyền, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến thời điểm này, Thổ Bình là xã dẫn đầu phong trào nuôi dê của huyện. Phòng đã đề xuất về việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm dê núi Thổ Bình, trong đó sẽ xây dựng tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời phát triển chăn nuôi dê theo hướng liên xã và liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Sang đầu năm 2019, bằng nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, huyện Lâm Bình sẽ xây dựng mô hình nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng lò mổ tập trung, dê sẽ được nuôi theo quy trình, giết mổ, đóng gói và bán tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên toàn quốc.


Mùa gặt ở Thượng Lâm.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, để thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng có hiệu quả đất đai, cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản có lợi thế của huyện, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa, UBND huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, hướng dẫn nhân dân bố trí khu vực đất có đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế trên địa bàn theo hướng trang trại, gia trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm, trước mắt là nhãn hiệu rau bò khai, sản phẩm dê. Huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân làm đầu mối để bao tiêu sản phẩm cho nhân dân; tiếp tục triển khai dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục