Lâm Bình hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông, lâm nghiệp

Mục tiêu của Lâm Bình đến năm 2020 sẽ thành lập 26 hợp tác xã nông, lâm nghiệp. Hết tháng 9 - 2019, huyện đã có 24 hợp tác xã hoạt động. Đối với một huyện vùng cao như Lâm Bình, thì số lượng hợp tác xã này đã góp phần hình thành mối liên kết với người nông dân.

Mới thành lập đầu năm 2019, nhưng Hợp tác xã Quang Minh, xã Hồng Quang đã hình thành được một chuỗi liên kết sản xuất cá khô đặc sản. Anh Đàm Văn Biểu, Giám đốc Hợp tác xã Quang Minh cho biết, xuất phát từ nhu cầu nhiều khách du lịch đến với Lâm Bình, được thưởng thức các món ngon từ cá muốn đem sản phẩm này về làm quà nhưng lại lo ngại khâu bảo quản, nhất là những khách du lịch từ các tỉnh xa, hợp tác xã đã nghĩ đến việc chế biến thành món cá khô để thuận tiện hơn. Các loại cá được lựa chọn để chế biến là cá rô phi, cá chép, cá mương, cá tép dầu và một số loại cá tự nhiên khác. Theo anh Biểu, để có sản phẩm tươi ngon, giàu dinh dưỡng, tất cả các loại cá sau khi đánh bắt được sơ chế, xử lý ngay tại thuyền, rồi được đưa về sấy khô ngay sau đó nên dù là cá khô nhưng khi ăn thịt cá vẫn ngọt, thơm.

Cá khô đặc sản Lâm Bình hiện đã được đăng ký nhãn hiệu, có bao bì đóng gói và đang hoàn thiện việc chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, dán tem truy xuất nguồn gốc. Hiện tại, mỗi tháng, Hợp tác xã Quang Minh cung cấp cho thị trường khoảng 60 - 100 kg cá khô các loại, giá bán dao động từ 140 - 300 nghìn đồng/kg tùy theo loại cá. Tuy nhiên, theo anh Đàm Văn Biểu, Giám đốc Hợp tác xã Quang Minh, do không sử dụng bất cứ loại chất bảo quản nào trong tẩm ướp, sấy khô, nên việc bảo quản cá sấy khô vẫn còn nhiều khó khăn. Về lâu dài, đơn vị cũng đã tính đến việc xây dựng kho lạnh để có thể bảo quản lâu dài và chất lượng cho sản phẩm.


Anh Hỏa Văn Tứ, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Chiên Phú, xã Thượng Lâm thu hoạch bưởi.

Non trẻ nhất, mới thành lập tháng 9 - 2019, nhưng Hợp tác xã nông lâm nghiệp Chiên Phú, thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm đã xây dựng được kế hoạch kinh doanh tương đối cụ thể và phù hợp với sự phát triển của xã. Anh Hỏa Đình Tứ, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hiện đơn vị này đã hình thành được khu vực trồng cây ăn quả rộng hơn 7 ha, trong đó chủ yếu là trồng cam và bưởi, đồng thời nuôi gà đồi, vịt thả suối. Diện tích này đã ở năm thứ 4 và chuẩn bị cho thu hoạch. Ngoài trồng cây ăn quả, hiện Hợp tác xã đã đầu tư 1 thuyền phục vụ du lịch. Anh Tứ cho biết, mục tiêu của hợp tác xã là sử dụng sản phẩm này để phục vụ khách du lịch hồ thủy điện và các dịch homestay trên địa bàn.

Đây là 2 trong 5 trong hợp tác xã nông lâm nghiệp mới thành lập trong năm 2019 nhưng đã xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể. Theo ông Vi Văn Truyền, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình, trong 9 tháng năm 2019, đã có 5 hợp tác xã thành lập mới là Hợp tác xã Sung Khiên (Bình An); Hợp tác xã Thẳm Pạu, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Lăng Can, Hợp tác xã Quang Minh và Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Chiên Phú. Tuy nhiên, theo ông Truyền, doanh thu bình quân trong năm của các hợp tác xã còn thấp, chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất mà chủ yếu quản lý từ nguồn thủy lợi phí và cung ứng một số vật tư nông lâm nghiệp theo mùa vụ.

Cái khó trong phát triển kinh tế tập thể ở Lâm Bình hiện nay là phần lớn các hợp tác xã nông lâm nghiệp còn nhỏ lẻ, hoạt động sản xuất kinh doanh còn đơn điệu chưa năng động, chậm khắc phục tình trạng khó khăn yếu kém; chưa chủ động xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành nghề kinh doanh chưa đa dạng, hiệu quả thấp, chưa chủ động mở rộng hình thức kinh doanh theo hướng đa ngành nghề; chưa có các hình thức liên doanh liên kết khu vực hợp tác xã, hợp tác xã với các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Qua rà soát, đánh giá chỉ có 6 hợp tác xã doanh thu bình quân đạt 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, năng lực hoạt động của các hợp tác xã không đồng đều; trụ sở làm việc thiếu, trình độ lao động còn thấp; chất lượng hoạt động của hợp tác xã chưa cao, một số xã viên tham gia mang tính hình thức; chưa thu hút, chưa phát huy tinh thần trách nhiệm của xã viên vào hoạt động và công tác kiểm tra, giám sát hợp tác xã.


Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Thổ Bình bàn giao dê cho người chăn nuôi theo chuỗi liên kết.

Khuyến khích, phát triển các hợp tác xã nông lâm nghiệp tham gia tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, Lâm Bình hiện đang tích cực triển khai các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể về thuế, tín dụng, đất đai... tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông lâm nghiệp tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hết tháng 9-2019, đã có nhiều hợp tác xã được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông lâm nghiệp theo Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND, ngày 13-7-2016 của HĐND tỉnh. Trong đó đã có 10 hợp tác xã được hỗ trợ lãi suất tiền vay, với kinh phí trên 9,7 tỷ đồng; 10 hợp tác xã được hỗ trợ kinh phí thành lập mới, kinh phí 400 triệu đồng.

Phát huy vai trò tập hợp, đổi mới cách nghĩ cách làm, các hợp tác xã nông lâm nghiệp ở Lâm Bình đang từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục