Lâm Bình đoàn kết, sáng tạo, phát triển

Lâm Bình là huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, Lâm Bình đã khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ I, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Toàn cảnh khu trung tâm huyện Lâm Bình.

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Lâm Bình đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu. Một trong những nhiệm vụ được Đảng bộ huyện quan tâm chú trọng đó là việc đổi mới, sắp xếp bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong nhiệm kỳ, huyện đã thực hiện bổ nhiệm mới 215 đồng chí, bổ nhiệm lại 31 đồng chí, điều động 28 đồng chí cán bộ cấp huyện, các trường học; luân chuyển 4 cán bộ lãnh đạo các cơ quan cấp huyện về làm lãnh đạo chủ chốt cấp xã; kiện toàn 7 cấp ủy viên huyện; 54 bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên cơ sở. Huyện đã hoàn thành bố trí, sắp xếp 8/8 Bí thư Đảng ủy xã không phải là người địa phương, thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; hợp nhất một số cơ quan, đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ; sáp nhập 12 thôn bản, giảm từ 76 thôn xuống còn 70 thôn; sắp xếp, dồn ghép giảm 19 điểm trường; tinh giản 21 biên chế… bước đầu đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần tiết kiệm cho ngân sách.

Để lãnh đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề: Nghị quyết số 34a-NQ/HU ngày 29/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về việc phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện đến năm 2020; Nghị quyết số 63-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai và Nghị quyết số 89-NQ/HU ngày 17/10/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về lãnh đạo thực hiện việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hộ gia đình nơi cư trú.


Lãnh đạo tỉnh tham quan một gian hàng trưng bày sản phẩm du lịch của huyện Lâm Bình.

Sản phẩm thủ công làm từ tre, nứa của Hợp tác xã Nhật Minh, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) được nhiều người ưa chuộng.  Ảnh: K.T

Thực hiện Nghị quyết số 89-NQ/HU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công 423 đồng chí cán bộ, đảng viên cấp huyện phụ trách 423 hộ gia đình trên địa bàn huyện; Đảng ủy các xã đã phân công 2.178 đồng chí đảng viên phụ trách 7.237 hộ gia đình. Trong đó, các đồng chí cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện phụ trách các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Sau khi ban hành Nghị quyết, cán bộ đảng viên được phân công đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong nhiệm kỳ, Lâm Bình có thêm trên 530 đảng viên mới đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Huyện quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, dân tộc thiểu số, cán bộ cơ sở. Hằng năm, 99,6% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 9,6%), trong đó trên 81,5% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 21%). Huyện đã cử 749 lượt cán bộ đi bồi dưỡng lý luận chính trị (sơ cấp 484 người, trung cấp 239 người, cao cấp 30 người).

Với sự thống nhất, đoàn kết, huyện Lâm Bình đã giành được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Thực hiện thắng lợi 16/16 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết đề ra, trong đó 15 chỉ tiêu vượt Nghị quyết. So với đầu nhiệm kỳ, kinh tế của huyện tăng trưởng khá, chuyển dịch đúng hướng và phát triển tương đối đồng đều ở tất cả các xã; giá trị sản xuất nông lâm nghiệp được nâng lên; du lịch có nhiều khởi sắc và trở thành hướng phát triển kinh tế quan trọng của huyện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 60,79% năm 2015 xuống còn 36,03% cuối năm 2019.


Lãnh đạo huyện Lâm Bình tham quan mô hình trồng rau bò khai tại xã Thượng Lâm.

Sức bật từ 3 nhiệm vụ trọng tâm

Trong nhiệm kỳ qua, huyện đã huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Huyện đã xây dựng trên 120 công trình, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng ở trung tâm huyện và các xã. Trọng tâm là hoàn thành xây dựng các công trình, dự án trọng điểm trong quy hoạch chung. Trong đó, trung tâm huyện đã hoàn thành các tiêu chí đô thị loại V trong năm 2020; xây dựng các công trình giao thông kết nối quan trọng như đường giao thông Thổ Bình - Bình An, Khuôn Hà - Thượng Lâm, Lăng Can - Xuân Lập, đường từ xã Phúc Yên đi xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; đầu tư, xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, 100% đường giao thông đến trung tâm xã và 97,2% đường đến trung tâm thôn được cứng hóa; kênh mương được kiên cố hóa, đảm bảo trên 83% diện tích đất canh tác được tưới tiêu chủ động; hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng bệnh viện đa khoa huyện, 100% trạm y tế xã được xây dựng mới đạt chuẩn quốc gia, 100% xã, thôn bản có nhà văn hóa; hệ thống lưới điện đến các thôn, chiếu sáng công cộng các khu dân cư được quan tâm đầu tư, 100% thôn bản trên địa bàn huyện có điện lưới quốc gia. Huyện đã huy động trên 23 tỷ đồng từ nguồn tài trợ an sinh để xây dựng trường học, đường điện thắp sáng khu dân cư.


Đua thuyền Kayak tại du lịch sinh thái khu hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình được nhiều du khách tham gia. 

Thực hiện phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động hơn 70 tỷ đồng từ các nguồn vốn hỗ trợ nhân dân sản xuất. Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai; xây dựng 11 sản phẩm Ocop; phát triển trên 230 lồng cá nuôi trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, tổng sản lượng thủy sản toàn huyện bình quân đạt trên 400 tấn/năm. Huyện đã hình thành một số vùng, chuỗi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa như: Duy trì đàn trâu trên 7.600 con, đàn bò gần 2.000 con, đàn dê trên 4.600 con, trên 480 ha cây lạc, phát triển trên 10 ha rau bò khai và trồng thử nghiệm hơn 7 ha cây dược liệu. Tổng sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 17.000 tấn, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Toàn huyện trồng mới trên 3.600 ha rừng, khai thác trên 1.200 ha rừng trồng, giao khoán trên 2.000 ha rừng phòng hộ cho 50 hộ gia đình bảo vệ kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng, thu nhập bình quân trên 75 triệu đồng/hộ/năm. Trong nhiệm kỳ, huyện đã có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 150% chỉ tiêu Nghị quyết, nâng số tiêu chí đạt chuẩn bình quân từ 10 tiêu chí/xã năm 2015 lên 14,4 tiêu chí/xã năm 2020.

Kinh tế du lịch của huyện có nhiều khởi sắc trở thành hướng phát triển kinh tế quan trọng của huyện. Doanh thu xã hội khoảng 4 tỷ đồng năm 2015, trên 70 tỷ đồng năm 2019. Huyện đã tập trung phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn như: Phục dựng, duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực, các di tích, danh lam, thắng cảnh. Huyện xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch cộng đồng Homestay; du lịch sinh thái khu hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình; lễ hội Lồng tông và Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình; lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn... Bên cạnh đó, huyện đã tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài huyện phát triển các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển khách du lịch; sản xuất, chế tác quà lưu niệm, nuôi trồng cây, con đặc sản phục vụ du khách...

Đồng chí Nguyễn Văn Dưng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, phát huy kết quả đạt được, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 2 khâu đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm, 18 chỉ tiêu chủ yếu. Để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết, nhiệm kỳ tới, huyện Lâm Bình tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị giai đoạn 2020 - 2025. Huyện chú trọng khai thác những thế mạnh của địa phương về du lịch, nông, lâm nghiệp, thủy sản, nhất là cây trồng vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ mới.   

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục