Chiêm Hóa thực hiện tốt khâu đột phá “Mỗi xã một sản phẩm”

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (viết tắt là OCOP) được triển khai với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, trọng tâm là phát triển sản phẩm có lợi thế của từng địa phương. Sau 03 năm triển khai thực hiện đến nay hầu hết các xã trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã xác định được sản phẩm nông nghiệp có lợi thế để đầu tư phát triển, 11/26 xã, thị trấn xây dựng được ít nhất 01 sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường và có những kết quả vượt bậc về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, từng bước khẳng định, hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùng.

Người dân thôn Bản Cậu, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) thu hoạch lạc xuân. Ảnh Cao Huy

Năm 2020, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn huyện Chiêm Hóa đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các Hợp tác xã, chủ các cơ sở sản xuất là chủ thể của 11 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, cụ thể: Ủy ban nhân dân huyện ban hành Quyết định số 778/QĐ-UBND ngày 16/3/2020 về việc thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; Quyết định số 1256/QĐ-HĐĐG ngày 13/4/2020 của Hội đồng đánh giá sản phẩm tham gia chương trình OCOP về ban hành Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ của Hội đồng đánh giá sản phẩm tham gia chương trình OCOP huyện Chiêm Hóa và các văn bản có liên quan đến tổ chức đánh giá và phân hạng sản phẩm tham gia chương trình.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, 11 hồ sơ tham gia chương trình OCOP đã tập trung hoàn thiện để tham gia đánh giá, phân hạng theo lộ trình. Trong đó 03 sản phẩm đã được cấp thương hiệu gồm Lạc Chiêm Hóa, Bánh gai Chiêm Hóa, Rượu chuối Kim Bình đã được huyện quan tâm, chỉ đạo phối hợp với Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP cấp huyện. Về xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, 06 hồ sơ sản phẩm đã trình các sở, ngành có liên quan của tỉnh để thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế nhãn hiệu sản phẩm, in tem, giấy chứng nhận đối với các sản phẩm Cam sành Trung Hà, Cá kho Mạnh Mẽ, Chè Pà Thẻn Linh Phú, Thịt trâu Hùng Mỹ, Cá đặc sản Yên Nguyên, Cam sành Hà Lang. Hiện nay, cả 06 hồ sơ sản phẩm đã trình Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu sản phẩm; 02 sản phẩm gồm “Cá đặc sản lòng hồ Chiêm Hóa” hiện nay đang được hoàn thiện xây dựng đảm bảo theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và sản phẩm “Rượu nếp cất hai lần Ông Chấp” đã hoàn thiện thủ tục hồ sơ cấp giấy chứng  nhận kinh doanh, giấy kiểm định chất lượng rượu, giấy công bố hợp quy và giấy phép sản xuất rượu thủ công. Trong 6 tháng đầu năm 2020, các sản phẩm OCOP được sản xuất và tiêu thụ rộng rãi, cụ thể: Cam sành Hà Lang hiện có tổng diện tích trồng gần 65 ha, diện tích cho sản phẩm hơn 30 ha, năng suất bình quân đạt 35 tạ/ha, sản lượng hàng năm đạt 1.060 tấn, giá trị hàng năm đạt hơn 6 tỷ đồng; Rượu chuối Kim Bình với quy mô vùng nguyên liệu 510 ha, sản lượng đạt 2.000 lít/năm, giá trị hàng năm đạt hơn 300 triệu đồng; Bánh gai Chiêm Hóa có quy mô vùng nguyên liệu toàn huyện, sản lượng đạt 150 tấn bánh/năm, giá trị hàng năm đạt hơn 900 triệu đồng… Không chỉ được quan tâm hỗ trợ, các sản phẩm thế mạnh này hàng năm đều được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia các hội chợ OCOP trong tỉnh và toàn quốc; nhằm tạo niềm tin về chất lượng, thu hút người tiêu dùng, quảng bá, xúc tiến đầu tư và giúp cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tìm và định hướng phát triển thị trường. Bên cạnh việc hướng dẫn các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp hoàn thiện tiêu chí, chính quyền huyện Chiêm Hóa, các đơn vị quản lý cũng tích cực tổ chức nhiều đợt kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP, chuẩn bị sẵn sàng cho hội chợ thương mại và du lịch tỉnh Tuyên Quang được tổ chức vào dịp Lễ hội Thành Tuyên sắp tới.

Mặc dù chương trình OCOP mang lại những tín hiệu tích cực giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nhưng hiện nay việc triển khai thực hiện chương trình OCOP đang gặp nhiều khó khăn trong tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình; việc hoàn thiện hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP do nội dung triển khai thuộc nhiều lĩnh vực, các ngành khác nhau, trong khi nhân lực tham gia thực hiện lại kiêm nhiệm; không có kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất đầu tư, hoàn thiện sản phẩm nhằm đạt tiêu chí của chương trình OCOP; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế; mô hình sản xuất kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao; chế biến sản phẩm còn ở dạng thô, thiếu tính liên kết cho nên việc đề xuất ý tưởng sản phẩm không nhiều…

Phát huy tiềm năng của mỗi sản phẩm để xây dựng thành sản phẩm OCOP là khâu quan trọng để huyện Chiêm Hóa chủ động, định hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị cho sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú. Trong giai đoạn tiếp theo của chương trình OCOP, huyện xác định phải khơi dậy sức sáng tạo của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để có nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương. Tiếp tục xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP, thay đổi dần tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết, hợp tác và phát huy lợi thế đặc trưng của địa phương. Đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường.

Thanh Loan

Tin cùng chuyên mục