Sản phẩm chè VietGAP được trưng bày tại Hội nghị tổng kết Dự án TNSP huyện Hàm Yên. |
Thực hiện Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (TNSP) trong 6 năm qua, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp đã phát triển đa dang, nhiều hình thức phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, từng địa phương như liên kết cung ứng đầu vào, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Các nội dung liên kết được thực hiện theo hợp đồng. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 122 tổ hợp tác (THT) thực hiện các chuỗi giá trị và sản phẩm tiềm năng, trong đó có 54 THT đã thực hiện liên kết các cơ sở kinh doanh tư nhân và các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Điển hình là mô hình liên kết tiêu thụ gà giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Bắc Ninh) với các hộ dân trong THT gà Thác Đất, xã Minh Dân, giúp cho giá gà luôn ổn định. Anh Từ Quang Hiền, tổ trưởng THT cho biết, trung bình mỗi năm, công ty cung cấp 32.000 con giống cho THT. Sau khi trừ chi phí đầu vào mỗi kg gà cho người chăn nuôi thu lãi khoảng 20.000 đồng. Thu nhập bình quân các hộ thành viên trong THT trên 80 triệu đồng/năm. Từ 9 hộ tham gia ban đầu, tới nay số thành viên trong tổ đã tăng lên 18 hộ.
Được thành lập năm 2013, Hợp tác xã chè Tân Thái 168 hoạt động hiệu quả đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Với số tiền 260 triệu đồng hỗ trợ từ Dự án TNSP, Hợp tác xã đã mở rộng quy mô nhà xưởng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, sản phẩm chè Tân Thái 168 đã có mặt tại nhiều thị trường trong cả nước. Ông Bàn Văn Dương, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hợp tác xã hiện có 2 cơ sở sản xuất, chế biến, trong đó riêng cơ sở tại thôn 5 Làng Bát, xã Tân Thành bao tiêu sản phẩm cho hơn 30 hộ gia đình trồng chè VietGAP. Các sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tỉnh miền Trung.
UBND huyện cũng phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương triển khai xây dựng 13 mô hình thâm canh mía với diện tích 6 ha tại các xã Bạch Xa, Phù Lưu, Bằng Cốc, Minh Khương, Minh Hương, Đức Ninh, Thái Hòa, Yên Phú, Bình Xa, Nhân Mục, Thái Sơn và Hùng Đức, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng mía, cải thiện thu nhập cho các hộ trồng mía.
Theo đồng chí Chủ tịch UBND huyện Vũ Đình Hưng, nhằm tạo mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, khai thác có hiệu quả những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh, xây dựng các mối liên kết, kênh phân phối, góp phần thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm, nâng cao thu nhập và phát triển bền vững cho nhân dân.