Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy thảo luận tại phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Chiều ngày 14-1, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 8. Trong phiên họp này, Hội đồng Dân tộc đã tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý vào Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia; Tổng kết công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024.


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp.

Tham dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; các đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và các thành viên của Hội đồng Dân tộc khóa XV.


Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu.

Tham gia thảo luận vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh, ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết, đồng thời góp ý một số nội dung như:

Tại Điều 4 về cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí với quy định tại khoản 1 về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, với lý do quy định này phù hợp với chủ trương chung về việc phân cấp, phân quyền; tạo sự chủ động cho địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch, dự toán, nội dung chi. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về việc giao cho Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thông báo dự kiến vốn sự nghiệp ngân sách trung ương trong kế tiếp để địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Đối với quy định tại điểm c, khoản 1, đề nghị cần quy định rõ hơn về trường hợp nào thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

Tại Khoản 2 về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, đại biểu đề nghị tại điểm c nên nghiên cứu, quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phân bổ, điều chỉnh đối với cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tránh dàn trải, lãng phí. Theo đại biểu, thực tế có nhiều dự án, tiểu dự án thành phần trùng địa bàn, đối tượng, nhỏ lẻ, không tập trung…


Toàn cảnh phiên họp.

Tại khoản 4 quy định về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn, quy định cụ thể hơn tránh vướng mắc trong quá trình triển khai sau này, chẳng hạn như quy định chủ dự án được quyền quyết định phương thức mua sắm hàng hóa thuộc nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với nội dung hỗ trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thế nào, phương thức thông qua đấu thầu hay chỉ định thầu…; về xác định giá; hóa đơn, chứng từ thanh toán; quy trình, thủ tục thực hiện...

Tại khoản 5 về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đại biểu nhất trí theo Phương án 1 trong bản dự thảo, đó là giao Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai.   

Đối với quy định tại khoản 6 về ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội: đại biểu đồng tình với quy định tại dự thảo Luật. Theo đại biểu, quy định như trên là phù hợp nhằm tăng nguồn vốn cho vay ưu đãi, mở rộng đối tượng cho vay, xác định rõ việc tăng tỷ lệ bổ sung vốn cho ngân hàng chính sách từ nguồn các khoản, mục dư vốn không thực hiện được từ các chương trình mục tiêu để tăng hiệu quả sử dụng ngân sách...

Về quy định cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia Tại khoản 7 dự thảo Nghị quyết, đại biểu nhất trí theo Phương án 2 trong dự thảo Nghị quyết với lý do Phương án 2 đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động trong việc điều hành, quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và cũng làm cơ sở để phục vụ xây dựng các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục