Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Sáng ngày 27/8/2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 để thảo luận, cho ý kiến vào 12 dự án Luật trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội dự và chủ trì Hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang có 3 đại biểu chuyên trách tham dự Hội nghị, gồm các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội; Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ; Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh.


Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các dự án luật thảo luận tại Hội nghị lần này điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những luật rất quan trọng đối với hệ thống chính trị và đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp như: Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)); liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương như Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, được người dân rất quan tâm như Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ….

Tại Kỳ họp thứ 7, các vị đại biểu Quốc hội đã rất quan tâm thảo luận với hơn 200 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận tại hội trường, gần 900 lượt ý kiến phát biểu tại tổ về những vấn đề lớn, căn bản và nhiều điều khoản cụ thể… ngay sau Kỳ họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến này, bám sát các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc chỉ đạo đã được thống nhất từ đầu khi xây dựng và đưa các dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong quá trình hoàn thiện, chỉnh lý luật...

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, khối lượng công tác lập pháp tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là rất lớn. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên có một Kết luận do Bộ Chính trị ban hành để định hướng các nhiệm vụ lập pháp trong cả nhiệm kỳ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cần nỗ lực, quyết tâm thực hiện và hoàn thành kế hoạch đề ra với chất lượng cao nhất…

Sau phần khai mạc, Hội nghị đã tiến hành cho ý kiến thảo luận vào các dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch Nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên.


Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách Ma Thị Thúy phát biểu tại hội nghị.

Góp ý vào dự thảo dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV đánh giá cao những cố gắng của các cơ quan của Quốc hội và Ban soạn thảo trong tiếp thu giải trình dự án luật. Dự án luật trình Hội nghị chuyên trách đã tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, đồng thời góp ý một số nội dung hoàn thiện dự án, cụ thể:

Đối với quy định về xử lý chuyển hướng: Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, xử lý chuyển hướng là biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Việc quy định chuyển hướng như trên thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người chưa thành niên. Bởi ở độ tuổi dưới 18 tuổi thì về cả thể chất, nhận thức, kiến thức, tâm lý chưa phát triển toàn diện luôn bị thay đổi, tác động do môi trường giáo dục gia đình, những tác động ngoài xã hội từ bạn bè, mạng xã hội… nên chưa nhận thức rõ về hành vi phạm tội của bản thân; xử lý chuyển hướng tạo cơ hội cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhìn nhận lại và chịu trách nhiệm đối với những hành vi vi phạm mà mình đã thực hiện mà không để lại án tích cho người chưa thành niên. Vì thế giúp ngăn ngừa sự miệt thị của xã hội đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng như các hậu quả bất lợi của việc bị đưa ra xử lý theo hệ thống tư pháp hình sự; việc xử lý chuyển hướng không nhằm đến việc áp dụng các chế tài có tính chất trừng phạt người vi phạm pháp luật mà chú trọng việc hoà giải và khắc phục thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên gây ra, qua đó khuyến khích người chưa thành niên vi phạm pháp luật tự ý thức được và tự chịu trách nhiệm giải thích về những thiệt hại đã gây ra.


Đại biểu Quốc hội tham dự hội nghị.

Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn cho thấy, việc áp dụng các biện pháp này đối với người chưa thành niên là rất ít và hãn hữu. Từ năm 2019 đến tháng 6/2023, chưa có trường hợp nào được áp dụng biện pháp Khiển trách; Hòa giải tại cộng đồng; chỉ có 16 trường hợp được áp dụng biện pháp Giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Thực tế này, xuất phát từ việc hoài nghi của các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng chế tài này thấy cơ chế thi hành không hiệu quả, nên thường áp dụng biện pháp cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo.Do vậy, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên cần quy định hậu quả pháp lý của việc không tuân thủ, tuân thủ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Các hậu quả có thể xảy ra nếu không tuân thủ: Bị áp dụng biện pháp thi hành án tạm thời, tăng thời hạn xử lý chuyển hướng; Tiếp tục bị truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng tư pháp…

Về nhiệm vụ của Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định tại Điều 2, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ cụm từ “lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên”, vì quy định như dự thảo là còn chung chung chưa rõ lợi ích tốt nhất là gì; đồng thời rà soát toàn bộ các nội dung trong dự thảo về tên gọi của các cơ quan tố tụng để đảm bảo thống nhất chung về tên gọi theo quy định hành chính…

Đề nghị bổ sung cụm từ “vụ án” vào trong quy định về Quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời (Điều 8) để đảm bảo tính chính xác; bổ sung nội dung “Ý kiến phải được lập thành biên bản theo đúng quy định” đối với quy định Bảo đảm và tôn trọng quyền tham gia, trình bày ý kiến tại Điều 17 nhằm đảm bảo các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục