Nhiều tiềm năng, thiếu sức hút
Công ty TNHH Thủy sản Đức Nguyên (TP Tuyên Quang) mới đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản từ tháng 1-2019. Hiện, đơn vị này đã đầu tư nuôi 30 lồng cá trên hồ sinh thái Na Hang, trong đó có 10 lồng cá đặc sản. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động địa phương, mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Giám đốc Công ty Phạm Đức Toàn cho biết, tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở hồ sinh thái Na Hang rất lớn, chất lượng nước ở khu vực này phù hợp với sinh trưởng, phát triển của các loại cá khó tính nhất như cá bỗng, cá lăng chấm, cá chiên, cá quả… Thị trường tiêu thụ các loại cá này cũng tương đối rộng mở. Sản phẩm cá sạch của doanh nghiệp hiện đã có tem truy xuất nguồn gốc, công ty đang thực hiện các thủ tục chứng nhận VietGAP cho chuỗi chăn nuôi để tiến tới xuất bán sản phẩm vào các siêu thị và các thị trường khó tính hơn.
Tuy nhiên, có một thực tế là sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế nguồn lực về đất đai, hệ sinh thái, lực lượng lao động... Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh hiện có hơn 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng số hơn 1.600 doanh nghiệp hoạt động. Nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hạn chế là sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu ở quy mô nhỏ dẫn tới đất đai manh mún, phân tán; cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, trong khi vẫn thiếu công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Chưa kể thời gian thực hiện đầu tư vào nông nghiệp thường dài với nguồn vốn lớn, hơn 10 năm mới có thể thu hồi nên nhiều doanh nghiệp vẫn e ngại...
Ngoài liên kết chăn nuôi trâu, bò, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành mở rộng nuôi trồng thủy sản tại xã Hoàng Khai (Yên Sơn). |
Khơi thông nguồn lực
Doanh nghiệp nông nghiệp được xác định có vai trò “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản tỉnh nhà. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được ban hành kịp thời đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nhiều nông sản trên thị trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện đã có 2 dự án được cấp kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó có Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy đường Tuyên Quang của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương và Dự án nhà máy chế biến nông sản tại Cụm công nghiệp An Thịnh của Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang, với tổng số tiền 7 tỷ đồng. 3 dự án được hỗ trợ theo Nghị quyết số 41/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gồm 2 Dự án trồng mới, trồng lại chè năng suất chất lượng cao của Công ty cổ phần Chè Sông Lô và Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, Dự án chăn nuôi trâu thịt tập trung của Công ty TNHH MTV Thương mại Oanh Phương.
Ông Ngô Đức Tú, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô cho biết, đơn vị được hỗ trợ trồng mới, trồng lại hơn 20 ha, năng suất các diện tích chè này đạt từ 30 - 35 tấn chè búp tươi/ha/năm. Đồng thời, được nguồn kinh phí khoa học của tỉnh hỗ trợ thực hiện dự án trồng chè đặc sản tại xã Hồng Thái (Na Hang) với diện tích hơn 30 ha. Sự trợ lực kịp thời của Nhà nước đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Hiện, Công ty cổ phần Chè Sông Lô có hơn 30 ha chè đặc sản và hơn 450 ha chè thường. Sản lượng chè búp tươi mỗi năm đạt trên 9.000 tấn; xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Afganistan, Ấn Độ... mỗi năm trên 2.700 tấn chè khô.
Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Tân Trào hiện đang quản lý nhãn hiệu Gạo chất lượng cao Tân Trào. Tuy nhiên, sau nhiều năm, sản phẩm này chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở việc làm quà tặng và tham gia một số hội chợ trong và ngoài tỉnh. Ông Bế Xuân Tô, Giám đốc Hợp tác xã cho rằng, lý do khiến sản phẩm chưa thực sự trở thành hàng hóa là do diện tích sản xuất manh mún, chủ yếu nằm ở các hộ gia đình, dẫn đến sản lượng sản xuất ra hàng năm chưa nhiều. Vụ mùa năm 2019, sau khi được lựa chọn tham gia mô hình sản xuất gạo hữu cơ, thì phần việc khó nhất là tích tụ ruộng đất đã được chính quyền hỗ trợ giải quyết. Giám đốc Hợp tác xã Bế Xuân Tô cho biết, cũng với diện tích 3,7 ha, trước đây khu ruộng này là của gần 40 hộ dân, thì giờ được dồn đổi lại, chỉ còn của 8 hộ nên việc áp dụng các tiến bộ về máy móc trong lúc làm đất, thu hoạch cũng được tốt hơn. Toàn bộ phân bón vô cơ giờ được thay thế bằng phân bón hữu cơ vi sinh và bổ sung thêm phân bón làm từ giun quế. Hợp tác xã hy vọng, đây sẽ là tiền đề để mở rộng diện tích, phát huy thương hiệu của Tân Trào và nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài một số chính sách hỗ trợ như Nghị quyết số 05 về khuyến khích phát triển các HTX nông, lâm nghiệp; Nghị quyết số 11 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tháng 8-2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 41. Trong đó, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đất đai, hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ chuyên biệt cho trồng mới, trồng lại cây chè; hỗ trợ chăn nuôi trâu, chăn nuôi lợn tập trung…
Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ từ cơ chế, vốn đến thị trường, kỳ vọng của tỉnh là số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ tăng nhanh và chiếm tỷ lệ lớn hơn trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong tỉnh. Tuy nhiên, ngoài những chính sách kích cầu của Nhà nước, tự thân các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới phương thức sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm; chủ động liên kết đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu sản phẩm.