Trên cơ sở đó Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết số 27/NQ-HĐND về vấn đề này theo đúng quy định của Nghị định số 34 của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đặc biệt, việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh triển khai bài bản, đúng quy định, lộ trình, trên cơ sở đồng thuận cao của nhân dân, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Có thể thấy rằng đây là chủ trương lớn tác động đến nhiều đối tượng, liên quan trực tiếp đến con người, đến chế độ, chính sách được hưởng đã ít nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Thời gian qua, một số cử tri và nhân dân có ý kiến về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, nhất là việc bồi dưỡng, hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, những kiến nghị này chưa phù hợp với quy định của Nghị định số 34/2019/NĐ-CP. Điều này cho thấy vẫn còn có sự chưa thông tỏ các quy định của Chính phủ, của tỉnh trong quá trình thực hiện. Do đó, quan trọng nhất là về mặt nhận thức phải làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những đối tượng chịu sự tác động nắm rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của Chính phủ, của tỉnh. Tư tưởng đã không thông thì đeo bình tông cũng thấy nặng, khi nhận thức đã rõ thì sẽ có sự đồng thuận cao, việc thực hiện sẽ thuận lợi hơn.
Vì thế các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, nhất là các đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, quy định của Chính phủ, của Hội đồng nhân dân tỉnh để mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên, quần chúng nhân dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ, ý nghĩa tầm quan trọng của chủ trương này. Công khai, minh bạch các phương án sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố cùng với các quy định về chế độ, chính sách được hưởng. Trước tiên, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể trong thực hiện các quy định này, xem đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đối với công việc của Đảng, của Nhân dân. Các thôn, tổ dân phố cần xác định những công việc cần thiết, cụ thể, căn cứ nguồn kinh phí được hỗ trợ hàng năm để bàn bạc, thống nhất bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia các công việc của thôn, tổ dân phố. Đồng thời, tăng cường hoạt động của các tổ tự quản, phát huy quyền làm chủ của nhân dân vào các công việc chung, tạo thành các phong trào, các cuộc vận động, giảm bớt chi phí huy động các hội, đoàn thể tham gia. Các đoàn thể cũng cần tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thu hút đoàn viên tham gia các công việc của thôn, bản, tổ dân phố; xây dựng các nguồn quỹ hoạt động để có nguồn quỹ bồi dưỡng đối với người tham gia trực tiếp công việc của tổ chức mình ở thôn, tổ dân phố bảo đảm hiệu quả, thiết thực, tạo sự đồng thuận cao, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động ở cơ sở.