>>Bài 2: Điểm nhấn sau nửa nhiệm kỳ
Những quyết sách mang tính đột phá
Tỉnh đã đề xuất với Chính phủ tích hợp các nội dung, nhiệm vụ phát triển du lịch vào Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời hoàn thành lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình UBND tỉnh bố trí kinh phí lập Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình gắn với phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia đặc biệt Tân Trào đến năm 2030, xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch quốc gia; Quy hoạch chi tiết xây dựng Làng văn hóa du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại xã Tân Trào, đề xuất chủ trương xây dựng Tượng đài “Bác Hồ ở Tân Trào”.
UBND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn lập hồ sơ khoa học Khu di sản thiên nhiên Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) trình UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới, góp phần tạo lập thương hiệu quốc tế của du lịch Tuyên Quang.
Làng văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) gìn giữ nét truyền thống nhà sàn. Ảnh: Quốc Việt.
Công tác quy hoạch mang tính ổn định, lâu dài, thể hiện quyết tâm cao của tỉnh về phát triển du lịch đã giúp Tuyên Quang thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã thu hút 6 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách cho du lịch và đang được triển khai thực hiện là Dự án đầu tư tôn tạo, xây dựng và khai thác điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba (Chiêm Hóa), Dự án Khu vui chơi bách Thảo Ngân tại phường Tân Hà, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Tuyên Quang, Sân golf VNPEARL Mỹ Lâm - Tuyên Quang, Khu công viên thể dục thể thao Mỹ Lâm (Tp Tuyên Quang), Dự án Làng văn hóa du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương). Đồng thời có 2 dự án vốn ngoài ngân sách đã được phê duyệt chủ trương đầu tư là Sân golf tại xã Tân Thanh, Hợp Hòa và Dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng, dịch vụ và trung tâm giới thiệu sản phẩm tại huyện Sơn Dương.
Theo đồng chí Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang, những quyết sách, định hướng lớn, quy hoạch mang tính đột phá của tỉnh đã tạo cho Na Hang đà bứt phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển du lịch. Huyện đã huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch liên vùng, nâng cấp, chỉnh trang đô thị. Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Ba Đạo đi qua Hang Khào đến bến thủy lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang, tiến độ thi công đạt khoảng 95%.
Công trình Đài phun nước tạo hình ấm trà vô cực, nậm rượu vô cực tại thị trấn Na Hang đang gấp rút triển khai thi công. Ngoài ra, huyện cũng đang tích cực triển khai và phối hợp để thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm nối liền xã Hồng Thái với huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn), tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang và các công trình kết nối với huyện Bắc Mê (Hà Giang)…
Bà Đỗ Thị Hậu, thôn Thia, xã Tân Trào (Sơn Dương) phấn khởi cho biết, chưa bao giờ bà thấy Tân Trào đổi thay như hôm nay. Chiến khu cách mạng xưa trong tương lai không xa sẽ trở thành khu du lịch, nghỉ dưỡng, lịch sử kết hợp với sinh thái thu hút đông đảo du khách tham quan. Có được ngày hôm nay, theo bà Hậu là nhờ những quyết sách quan trọng của tỉnh về du lịch.
Những quyết sách, định hướng lớn của Trung ương và của tỉnh đã và đang khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng nhằm tạo ra sự liên kết với các tỉnh trong vùng để phát triển du lịch một cách xứng tầm.
Du khách trải nghiệm đua thuyền Kayak trên hồ sinh thái Na Hang. Ảnh: Quang Hòa.
Phát triển du lịch liên tỉnh, liên vùng
Những quyết sách, định hướng lớn của tỉnh về du lịch từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều đặt trong tổng thể, phù hợp với sự phát triển của các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang hay các tỉnh khác như Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Điều đó cho thấy, tỉnh đã nhìn xa và có sự chuẩn bị từ trước để tạo điều kiện phát triển du lịch liên tỉnh, liên vùng, liên khu vực. Bởi chỉ có liên kết thì du lịch của Tuyên Quang mới có thể vươn xa. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã xây dựng, đưa Tuyên Quang từ “điểm dừng” trở thành “điểm đến” trong hành trình tua du lịch. Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với các đơn vị tại Vĩnh Phúc, Hà Nội để xây dựng tua du lịch “Thủ đô Văn hiến - Thủ đô Kháng chiến”, tua du lịch Hà Nội - Tam Đảo - Tây Thiên (Vĩnh Phúc) - Sơn Dương - Tân Trào (Tuyên Quang), tua Chiến khu Ngọc Thanh - Tam Đảo - Tây Thiên - Tân Trào - ATK Định Hóa.
Và tới đây, khi các công trình giao thông trọng điểm kết nối giữa huyện Na Hang với tỉnh Bắc Kạn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, đặc biệt là tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối với huyện Na Hang hoàn thành sẽ hứa hẹn khai thác tốt tiềm năng du lịch hồ Ba Bể, hồ sinh thái Na Hang, huyện Na Hang và huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.
Sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, với quyết tâm cao nhất cùng các quyết sách, định hướng lớn đúng đắn, chắc chắn nhiệm vụ đột phá Nghị quyết đề ra là phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh sẽ trở thành hiện thực.