Hộ gia đình anh Hoàng Văn Như đầu tư phát triển nuôi trâu sinh sản, từng bước vươn lên thoát nghèo |
Được biết đến là một hộ nghèo, có sức khỏe lao động, muốn phát triển sản xuất bằng hình thức chăn nuôi trâu sinh sản nhưng thiếu vốn gia đình anh Hoàng Văn Như, chị Hà Thị Sen ở thôn Làng Đài 1, xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa được cấp ủy, chính quyền từ thôn đến xã tạo điều kiện làm các thủ tục vay vốn hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản (theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh). Anh Hoàng Văn Như cho biết: Khi được cán bộ xã tuyên truyền về chính sách của tỉnh cho hộ nghèo vay vốn sản xuất hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay, gia đình đã vay 50 triệu, cùng với 10 triệu nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và các nguồn vốn gia đình tích lũy từ lao động sản xuất, gia đình đã đầu tư mua trâu sinh sản; từ 03 con trâu mẹ ban đầu (năm 2015 mua 02 con, năm 2018 mua 01 con), đến nay đàn trâu đã phát triển lên 7 con. Do được tuyên truyền vận động, sau nhiều năm là hộ nghèo, gia đình anh đã đăng ký vươn lên thoát nghèo trong năm 2019; anh Như cho biết thêm: Nếu bây giờ trả gốc vốn vay ban đầu để chăn nuôi, gia đình anh đã có thể tích lũy hàng trăm triệu đồng để duy trì phát triển sản xuất.
Chị Ma Thị Yêu, công chức Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường xã Kiên Đài cho biết: Từ khi có chính sách cho vay 50 triệu đồng/hộ, hỗ trợ từ 50-100% mức lãi suất tiền vay, các hộ đăng ký làm các thủ tục vay mua trâu sinh sản đã đem lại hiệu quả rõ rệt, nuôi trâu sinh sản hướng tới là sản phẩm hàng hóa thuận lợi cho địa bàn các xã vùng cao, vì trâu ít dịch bệnh, giá cả ổn định, nguyên liệu làm thức ăn sẵn có, kỹ thuật chăn nuôi phù hợp với nhận thức của người dân…; bằng nguồn vốn được vay, các gia đình đã đầu tư đúng mục đích, chăn nuôi hiệu quả, góp phần tăng tổng đàn của xã. Cùng với gia đình anh Hoàng Văn Như, ở xã Kiên Đài hiện nay còn có 15 hộ gia đình vay hỗ trợ lãi xuất theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, các hộ đều mua trâu sinh sản và chăn nuôi có hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo nhờ đầu tư phát triển chăn nuôi đúng hướng, như hộ gia đình anh Ma Văn Thuần, anh Ma Văn Cư ở thôn Làng Khây 1, hộ gia đình anh Bàn Văn Đoàn, thôn Nà Chám... Chị Ma Thị Yêu cho biết thêm: Đến nay tổng đàn trâu, bò của xã có 1.276 con. Trong đó, trâu có 1.233 con, bò 43 con. Thời gian gần đây, đàn trâu, bò của xã đang tiếp tục tăng do các hộ gia đình đều nhận thấy hiệu quả của chính sách hỗ trợ vốn vay mua trâu sinh sản để phát triển kinh tế gia đình.
Anh Lý Trung Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kiên Đài cho biết: Kiên Đài là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chiêm Hóa, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, chiếm 66,25% (trong đó hộ nghèo chiếm 41,63%, cận nghèo 24,62%); thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, do đó đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, mô hình chăn nuôi trâu, bò ở xã đã được người dân đầu tư phát triển đàn. Tuy nhiên, do biến động của giá cả thị trường, chưa có chính sách hỗ trợ chăn nuôi thỏa đáng như hiện nay nên có thời gian chững lại; thời gian gần đây, mô hình được tập trung phát triển mạnh trở lại. Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Kiên Đài tập trung duy trì và phát triển tốt đàn gia súc, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hoá. Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí nông thôn mới xã có xuất phát điểm rất thấp, do vậy xã xác định việc xây dựng nông thôn mới cần phải thực hiện từng bước vững chắc; trong đó tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh về kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn gắn với sân thể thao, khuôn viên, các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi và các chính sách hỗ trợ khác để có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, người dân thoát nghèo và có vốn tích lũy từ phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã.