Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân theo quy định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020

Ngày 18/6/2020 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 (gọi tắt là Luật năm 2020), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (gọi tắt là Luật năm 2015), trong đó quy định mới một số nội dung như sau:

Thứ nhất, về quy trình ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền đại phương: Luật năm 2020 bỏ yêu cầu lập đề nghị theo quy trình chính sách đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại khoản 2, khoản 3 Điều 27 của Luật năm 2015. Luật năm 2020 đã sửa đổi khoản 3 Điều 111 như sau: “Đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nội dung quy định tại khoản 4 Điều 127 của Luật này thì trước khi trình Thường trực Hội đồng nhân dân phải thực hiện theo quy định từ Điều 112 đến Điều 116 của Luật này”. Như vậy, chỉ nghị quyết quy định tại khoản 4, Điều 27 của Luật năm 2015 mới phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách, các nghị quyết quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 27 thì lập đề nghị theo quy trình đơn giản.

Đồng thời, để thống nhất với việc bỏ yêu cầu lập đề nghị theo quy trình chính sách đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật năm 2015; Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung các Điều 117, 119, 121 và 122 của Luật năm 2015 để quy định cụ thể trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng và soạn thảo các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 Luật năm 2015 theo hướng bóc tách quy định về thủ tục và hồ sơ đối với nghị quyết phải lập đề nghị theo quy trình chính sách và nghị quyết chỉ cần lập đề nghị theo quy trình đơn giản. Đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định tại khoản 2 (Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên) và khoản 3 Điều 27 (Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương) phải lập đề nghị xây dựng, nhưng theo quy trình đơn giản. Hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết quy định tại khoản 1, 2, và 3 Điều 27 của Luật năm 2020 bao gồm:

- Tờ trình về đề nghị xây dựng nghị quyết, trong đó phải nêu rõ căn cứ ban hành nghị quyết; đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nội dung chính của nghị quyết; thời gian dự kiến đề nghị Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua; dự kiến nguồn lực, điều kiện đảm bảo cho việc thi hành nghị quyết.

- Tài liệu khác (nếu có)

Như vậy, so với Luật năm 2015, Luật năm 2020 bỏ quy trình lập chính sách khi đề nghị xây dựng nghị quyết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 Luật năm 2015, nhưng vẫn yêu cầu phải đánh giá tác động của chính sách trong giai đoạn soạn thảo nghị quyết mà không quy định loại trừ là chỉ đánh giá chính sách trong dự thảo có quy định chính sách. Do vậy, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo nghị quyết vẫn phải tiến hành đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo nghị quyết. Trong trường hợp hoàn toàn không có chính sách mới, mà chỉ đơn thuần quy định các biện pháp đã được quy định sẵn trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì cũng phải có báo cáo đánh giá tác động của chính sách, trong đó giải trình rõ là trong dự thảo nghị quyết hoàn toàn không đưa ra chính sách mới mà chỉ quy định các biện pháp để thực hiện các chính sách đã có trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Thứ hai, về quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật: Luật năm 2020 đã bổ sung quy định cho phép quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của UBND, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong trường hợp được nghị quyết của Quốc hội giao (khoản 4, Điều 14). Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 14 (Các hành vi bị nghiêm cấm) để cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thủ tục hành chính trong trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4, Điều 27 của Luật năm 2015. Bên cạnh đó, Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 127 (Hiệu lực thi hành) của Luật năm 2015 để cho phép sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính đã ban hành trước ngày Luật năm 2015 có hiệu lực với điều kiện không được làm phát sinh thủ tục hành chính mới hoặc quy định thêm thành phần, hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, tăng thời gian giải quyết thủ tục hành chính đang áp dụng.

Cũng theo quy định mới của Luật năm 2020, địa phương chỉ được quy định mới thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4, Điều 27 Luật năm 2015, còn các loại nghị quyết khác của Hội đồng nhân dân và quyết định của Ủy ban nhân dân đều không được phép quy định mới thủ tục hành chính.

Khi sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luạt của chính quyền địa phương đã ban hành trước ngày 01/7/2016. Trong đó có quy định về thủ tục hành chính, cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản cần đảm bảo là văn bản sửa đổi, bổ sung không quy định thủ tục hành chính mới hoặc quy định thêm thành phần, hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, tăng thời gian giải quyết thủ tục hành chính đã được quy định trong văn bản được sửa đổi, bổ sung.

Thứ ba, về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã: Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Điều 30 Luật năm 2015 như sau:

- Bổ sung nghị quyết của Quốc hội là loại văn bản có thể giao cho cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đó quy định: Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.

- Bổ sung trường hợp chính quyền cấp huyện được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể: Luật năm 2020 đã bổ sung quy định Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương (khoản 2, Điều 13 về phân cấp quy định: Việc thực hiện phân cấp phải được thể hiện bằng văn bản quy phạm pháp luật).

- Luật năm 2020 đã tách Điều 30 thành 2 khoản, trong đó khoản 1 quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện và khoản 2 quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã để tránh nhầm lẫn khi áp dụng điều luật này.

Như vậy, Luật năm 2020 phân biệt rất rõ về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện và cấp xã, cụ thể: Chỉ có cấp huyện mới có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Văn bản quy phạm pháp luật ban hành để thực hiện việc phân cấp phải xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp cho chính quyền cấp xã hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới, trách nhiệm của cơ quan nhà nước phân cấp và cơ quan nhà nước được phân cấp theo quy định khoản 2, Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Thứ tư, thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật: Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Điều 151 Luật năm 2015 như sau:

- Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương; không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.

- Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương; đăng Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Thứ năm, về đăng tải và đưa tin văn bản quy phạm pháp luật: Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Điều 157 Luật năm 2015 như sau:

- Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng tải toàn văn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản của cơ quan nhà nước ở trung ương; chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

- Văn bản quy phạm pháp luật đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật có giá trị sử dụng chính thức.

Phòng Tổng hợp
Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh

Tin cùng chuyên mục