Đường lớn hùng cường, vì hạnh phúc của Nhân dân

Khép lại năm 2021, nhìn lại sự nghiêng ngả, thậm chí mang tính sinh tử vẫn trùm khắp toàn cầu, đòi hỏi chúng ta hơn hết lúc nào, phải điềm tĩnh hơn. Và, khi châu Á - Thái Bình Dương đã, đang bị chìm trong Đại dịch Covid-19 dẫn đến những đảo lộn khác thường, rất toàn diện, sâu sắc, khiến các nước phải tìm ra con đường phát triển mới, ngày càng tiềm tàng đầy tính cạnh tranh, lại càng đòi hỏi chúng ta quyền biến hơn, bản lĩnh hơn và hành động một cách khôn ngoan hơn.

Vì, cuộc cạnh tranh này không chỉ về mặt kinh tế, thương mại mà còn là cuộc cạnh tranh chiến lược, sự ngưng đọng và lan tỏa không chỉ về địa chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ mà còn cả trên những vấn đề mang tính ý thức hệ và phương thức sản xuất, quản trị mới và tư tưởng văn hóa. Hệ lụy trực tiếp và tức thời là xô đẩy nền kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng đồng loạt, sâu sắc và toàn diện - điều mà trong nửa thế kỷ qua chưa từng thấy - và lún sâu vào sự đình đốn, suy thoái và có nguy cơ rạn vỡ ở không ít quốc gia. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo, nền kinh tế thế giới có nguy cơ mất 4.500 tỷ USD do các biến thể lây nhiễm cao của Covid-19 lây lan qua các quốc gia nghèo - nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. IMF kêu gọi các quốc gia giàu có hành động khẩn cấp để chia sẻ ít nhất 1 tỷ liều vaccine với các quốc gia đang phát triển, nếu không có nguy cơ gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

Nhưng, chính năm 2021, thế giới lại bên nhau đằm thắm hơn, thấm đẫm nhân văn và lung linh tình nhân loại khắp năm châu. Thế giới tìm tòi những hành động đa phương để đảm bảo khả năng tiếp cận vắc-xin, chẩn đoán và điều trị nhanh chóng trên toàn thế giới. Điều này sẽ cứu sống rất nhiều người, đồng thời ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện và thêm hàng nghìn tỷ USD vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khi đại thảm họa Covid-19 vẫn đang càn quét nhiều lớp sóng lên các quốc gia dân tộc, chưa hề có dấu hiệu thu hẹp và thuyên giảm. Hệ lụy thảm khốc này có lẽ trong nhiều thập niên nữa nhân loại vẫn gánh chịu di họa và phải trả giá. Nỗi lo Covid-19 tái bùng phát mới sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát ngay cả những quốc gia hùng mạnh nhất tại châu Âu, châu Mỹ... Tất cả vẫn đang thách thức sinh tử thế giới.


Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thành Công

Đối với chúng ta, khi Đại dịch gây thiệt hại đến 3,3% GDP của ASEAN khi hầu hết các nước thành viên bị tác động tiêu cực bởi đại dịch; đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực suy giảm 24,6% so với trước đại dịch và nhiều ngành, lĩnh vực bị suy giảm nghiêm trọng, không có con đường phát triển nào khác, là vừa chống dịch vừa phải vượt qua và vượt lên. Thách thức hơn cả vượt đỉnh Phan-xi-păng, thậm chí cả đỉnh Chô-mô-lung-ma.

Từ năm 2021 - năm đầu tiên thực thi những quyết sách chiến lược của Đại hội thứ XIII của Đảng đầy khó khăn, thậm chí giông bão - trong tầm nhìn trước mắt tới năm 2025, vị thế và vai trò Việt Nam trên bản đồ địa - chính trị của thế giới sẽ được xác định như thế nào, dung mạo ra sao trong 2022 và các năm tiếp theo, vì mục tiêu cao cả: Tất cả vì đất nước hùng cường, vì hạnh phúc của Nhân dân?

Ngay trong năm 2021 và nhìn tới 2022, quan điểm phát triển rõ ràng và kiên định của chúng ta là, cần tiếp tục các nỗ lực cải thiện, đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và góp phần xây dựng nền tảng cơ sở an ninh - chính trị vững mạnh trong khu vực cũng như trên thế giới. Chính phủ Việt Nam chủ động hoạch định những chiến lược mới, chính sách mới trong giai đoạn tiếp theo là một nhiệm vụ tối quan trọng. Việt Nam hiện không ngừng đổi mới, hoàn thiện xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời, vừa tìm tòi và phát triển những động lực phát triển kinh tế - xã hội, vừa cùng thế giới chung tay chống Đại dịch Covid-19 trên mọi bình diện. Từ đó và qua đó, khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Vì thế, hơn lúc nào hết, năm 2022, mục tiêu “Hạnh phúc của Nhân dân” ở những khúc quanh của lịch sử thế giới và đất nước năm 2021 càng cao cả, càng cấp bách và càng mang ý nghĩa lớn lao nhưng thiết thực, không chỉ trên phương diện chính trị, kinh tế mà sâu hơn, xa hơn là sự trầm tích và phát triển một tầm mức mới trên bình diện xã hội, văn hóa và nhân văn Việt Nam. Đó chính là mệnh lệnh của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trong tầm nhìn không chỉ năm 2025, 2030 mà còn tới năm 2045.

Lúc này, càng nhớ lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài; rằng, nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng; và, rằng, ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác,... chúng ta càng thấy mệnh đề đó kiêu hãnh, lấp lánh nhưng cũng đang là thách thức ngặt nghèo về trọng trách vẻ vang lịch sử trước Đảng ta, với tư cách là “đứa con nòi của giai cấp lao động” Việt Nam đối với dân tộc ta và Nhân dân ta rất nặng nề nhưng cũng thật là vẻ vang.            

Nhìn lại năm 2021 đầy gian khổ và tiếp tục phát triển, mới có thể cảm hết sự nỗ lực tuyệt vời của dân tộc ta, dưới ngọn cờ của Đảng, để Việt Nam tự tin bước vào năm 2022 đầy kỳ vọng phát triển hùng cường và Đảng, Chính phủ ta nỗ lực một cách đầy quyết tâm, vì danh dự và uy tín, với trọng trách vẻ vang trước Nhân dân. Nhớ nhà triết học Heraclitus (535 trCN - 475 TrCN) nói: “Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc…”. Và, gần 2.200 năm sau đó, năm 1835, Karl Marx (1818-1883) viết: “Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất...”. 

Hạnh phúc chính là sự hài hòa giữa cá nhân với cá nhân, với xã hội và với môi trường (tự nhiên và xã hội), vì sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân, của xã hội và của môi trường. Nói cách khác, hạnh phúc là sự hài hòa và phát triển. Và, xếp hạnh phúc trong tiêu ngữ đặt dưới quốc hiệu Việt Nam: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, chúng ta càng thấy sự tổng hòa mang tính chỉnh thể: dân tộc độc lập - dân quyền tự do - dân sinh hạnh phúc, mà dân tộc Việt Nam kiên định hành động, thậm chí hy sinh để vươn tới, giành giữ và phát triển nó suốt hơn 76 năm qua.  

Đất nước phải độc lập - đó là quyền quốc gia thiêng liêng không ai, không một lực lượng nào có thể làm vấy bẩn và xâm phạm được. Nhưng nước độc lập thì Nhân dân phải được hưởng quyền tự do một cách tự nhiên và tất yếu. Vì, nếu nước độc lập mà Nhân dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, ngay từ ngày 17-10-1945. Vì thế, nếu gìn giữ giá trị toàn vẹn của độc lập là một công việc khó khăn, vĩ đại thì phát triển tự do luôn đang là một khát vọng vĩ đại, to lớn nhưng tất yếu không kém, đong đầy khó khăn và cả chông gai gấp bội. Song, dân tộc ta đã, đang quyết đi tới chân trời hạnh phúc, vì sự bảo đảm và phát triển nhu cầu tự nhiên nhi nhiên và nguyện vọng chính đáng của đất nước và Nhân dân: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Hơn 76 năm qua, mệnh đề hạnh phúc làm nên chỉnh thể toàn vẹn tiêu ngữ của quốc gia: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, là tiền đề, là mục tiêu, là động lực và là con đường phát triển chính đáng của thể chế Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, để xây dựng nước Việt Nam hùng cường: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 Hơn hết bao giờ, trong thế giới biến đổi phức tạp và khôn lường trước hiện nay, không thể nôn nóng, vội vàng, càng không thể chờ đợi, cầu toàn và càng không thể trông đợi vào sự may mắn dịch chuyển từ một mô hình tiên nghiệm hay sẵn có nào. Cả ba thái cực đều đem lại hậu quả tệ hại, thậm chí khôn lường như nhau. Chúng ta phải tự tìm lấy lối đi, với những điều kiện cụ thể, theo lộ trình phù hợp, trong phạm vi cho phép và khả năng có thể hiện hữu.

Đó là kinh nghiệm lịch sử quý báu và cũng là yêu cầu phát triển quốc gia, trước những thách thức nghiệt ngã, thậm chí sinh tử mang tính toàn cầu hiện nay.

Thực tiễn lịch sử cho thấy, nếu “Hạnh phúc là phải biết cho đi chứ không phải nắm giữ thật chặt”, “Hạnh phúc là được yêu thương”, “Hạnh phúc là một hành trình chứ không phải chỉ là đích đến”… thì hạnh phúc là phải bảo vệ nền độc lập, tự chủ, tự cường toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia. Không thể nói về một tầm nhìn chính trị độc lập nếu quốc gia dân tộc không có quyền tự quyết dân tộc hay không có chủ quyền, dân tộc bị lệ thuộc, Nhân dân bị nô lệ dưới hình thức này hay mức độ kia. Nói trực tiếp, càng không thể kỳ vọng thực thi tầm nhìn chính trị, khi đất nước bị chi phối hay bị lệ thuộc từ bất cứ phía nào về chính trị hay kinh tế… Nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào. Và, lịch sử cũng cho chúng ta một bài học lớn về giá trị của độc lập không có nghĩa là tự cô lập mình. 

 Do vậy, bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc, chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ vô điều kiện quyền lực và lợi ích tối cao của Nhân dân là điều kiện tiên quyết, là nhân tố quyết định, là động lực căn bản, trên nền móng đại đoàn kết toàn dân tộc để giữ vững và thực thi tầm nhìn chính trị nhằm hội nhập quốc tế một cách chủ động và tích cực. Điều đó chính là chủ động ngăn chặn giặc ngoại xâm từ bên ngoài. Đó là điều tất yếu. Đồng thời, đặc biệt cảnh giác chống giặc nội xâm từ bên trong - những “con ngựa thành Tơ roa” (tham nhũng, thoái hóa quyền lực, dân túy…). Đó chính là nhu cầu xây dựng môi trường chính trị - xã hội trên nền móng một xã hội công dân lành mạnh. Nói khái quát, ở đây có sáu phương diện chủ yếu cần được chú ý ngang nhau: an ninh chính trị - an ninh kinh tế - an ninh văn hóa - an ninh xã hội - an ninh quốc phòng - an ninh sinh thái trong công việc đổi mới, kiến tạo và thực thi tầm nhìn chính trị.

Định vị chiến lược đất nước, tới lượt nó, không có con đường nào khác tốt hơn là chủ nghĩa dân tộc Việt Nam độc lập và sáng tạo, dưới ngọn cờ của Đảng. Nó phải trở thành động lực căn bản và to lớn đối với tiến trình phát triển của đất nước, trong tương lai. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta một bài học lớn, khi Người khẳng định: Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước; và rằng: Trong tình hình quốc tế hiện nay, những đặc điểm dân tộc và những điều kiện riêng biệt ở từng nước ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc vạch ra chính sách của mỗi Đảng Cộng sản và Đảng công nhân. Dân tộc Việt Nam chẳng hạn phải vạch ra những phương pháp và những biện pháp riêng của mình.

Buông lơi điều đó là cầm chắc sự thất bại. 

Đồng thời, hãy giữ lấy và vun đắp Lòng Dân - Quốc bảo Việt Nam. Đất nước ta đã đi qua và làm thất bại hàng trăm cuộc chiến tranh xâm lăng lớn nhỏ. Là lẽ tự nhiên và thuận với đạo lý quốc tế, càng trải những thăng trầm có tính chất mất còn, nền độc lập tự do của Tổ quốc càng trở thành nhu cầu bất diệt; và toàn dân tộc dù hy sinh tất cả, càng quyết tâm giành lại bằng mọi giá có thể và giữ gìn bằng xương máu của mình nền độc lập vô giá ấy. Nền độc lập tự do của Tổ quốc là bất khả xâm phạm! Một trong những bảo bối giữ nước ấy chính là kinh nghiệm lịch sử vô giá được hun đúc của ông cha: Chúng chí thành thành (Ý chí của Nhân dân là bức tường thành vững chắc nhất).

Và, tròn 35 năm đổi mới vừa qua, một trong những bài học lớn của mọi thành công là: “Lấy dân làm gốc”. Đó là đỉnh cao của sự hội tụ, kết tinh và phát huy khí phách, bản lĩnh, trí tuệ và nhân văn Việt Nam, vấn đề cốt tử của nền chính trị Việt Nam hiện đại được nâng tầm từ nền tảng lịch sử dựng nước và giữ nước trải mấy ngàn năm! Niềm tin chính trị của Nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng, với Nhà nước được xây nên và bảo đảm bằng mồ hôi, bằng máu, không gì thay đổi được. Và, không ai được làm tổn thương niềm tin ấy của Nhân dân. Không có niềm tin thì không thể nắm tay nhau đại đoàn kết và đại thành công. Mất niềm tin của Nhân dân, chế độ chúng ta có nguy cơ sụp đổ. Ông cha ta dạy: Ai lấy được lòng dân người đó lấy được thiên hạ. Lại nhớ ngày 30-7-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Ý dân là ý trời. Đó là đạo đức mỗi người, là đạo lý dân tộc cũng chính là pháp lý tối thượng đối với chúng ta. 

Vì thế, không “khoan thư sức dân” thì không thể nói tới việc “bền rễ sâu gốc” của nền độc lập tự do, không thể tính “thượng sách giữ nước”, càng không thể nói tới nền móng xã hội chính trị vững chãi để phát triển nền chính trị hiện nay! Vì, “dân là gốc nước”, vì “dân là dân nước, nước là nước dân”, “sức dân mạnh như nước”! Không “lấy dân làm gốc” thì không thể nói tới việc nền độc lập dân tộc và “chế độ được đứng vững”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định; không thể nói tới hạnh phúc của Nhân dân, càng không thể bảo đảm dân tộc Việt Nam giữ vị trí chính trị vững chắc và đóng góp xứng đáng trong nền chính trị quốc tế! 

Và vì, Đảng ta là “con nòi xuất thân từ giai cấp lao động”, nên nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”..., suy cho cùng, là những vấn đề trọng yếu và cụ thể của việc đổi mới toàn diện, đồng bộ, chứ không viển vông, không thể đặt trách nhiệm đó ngoài mục tiêu chăm lo, bảo vệ lợi ích tối cao và toàn diện của Nhân dân. Vì: Nước ta là do Nhân dân là chủ và làm chủ! Có Nhân dân là có tất cả; do đó, toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân...

Đến lượt mình, Nhân dân thực sự hạnh phúc khi coi pháp luật thượng tôn, nỗ lực toàn diện tự nâng mình lên một cách toàn diện, xứng đáng là người chủ đất nước, xây dựng một xã hội công dân bảo vệ chính mình.  Đó là thước đo sự trưởng thành về chính trị, ở đây là về hạnh phúc của chính mình. Đó chính là một chỉ báo thực tiễn về tầm viễn kiến chính trị, về hành động chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ trọng trách đối với số phận Nhân dân, quốc gia dân tộc, triển vọng phát triển tất yếu của nước ta, với khát vọng hùng cường, trong thế giới hiện nay. 

Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục