Dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng

Phát huy vai trò của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định. Trong 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XIII cũng xác định: “Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; thực sự dựa vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kết luận số 21 của BCH Trung ương Đảng, phương châm dựa vào Dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh quan tâm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Thực sự gần Dân, lắng nghe Dân

Đổi mới công tác dân vận đã được các cấp ủy trong tỉnh quan tâm lãnh đạo bằng nhiều giải pháp hiệu quả, đồng bộ, trong đó chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, chăm lo cho đời sống Nhân dân. Thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hướng dẫn số 02-HD/BDVTU về việc vận động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tham gia các hoạt động với Nhân dân tại cơ sở, đến nay đã có trên 3 nghìn lượt chi bộ, đảng bộ với trên 125.900 lượt đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và trên 338 nghìn lượt người dân cùng tham gia hoạt động tại 1.769 lượt xã, 8.064 lượt thôn, tổ dân phố. Từ đó góp phần gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và Nhân dân.


Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nói chuyện với bà con Nhân dân xã Minh Hương (Hàm Yên). Ảnh: Thanh Phúc.

Từ nhiều năm nay, việc  thực hiện quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư và khu dân cư nơi cư trú; về trách nhiệm của cấp ủy viên, cán bộ, công chức cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp trong việc dự sinh hoạt chi bộ đã được triển khai một cách nền nếp, thường xuyên. Từ đó đã giúp cán bộ, đảng viên nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, tình hình trong Nhân dân; gợi mở các phương án giải quyết đối với những vấn đề nảy sinh ở cơ sở, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo nên sự gắn bó mật thiết với Nhân dân.

Công tác đối thoại, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được lãnh đạo tỉnh, huyện, xã chú trọng trên tinh thần đặt mình vào vị trí của người dân để lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ Nhân dân, có biện pháp giải quyết vừa đúng quy định của pháp luật, vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của Nhân dân. Chỉ tính trong năm 2023, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong tỉnh đã tiếp 2.904 lượt với 2.964 công dân, 2.628 vụ việc. Số lượt tiếp công dân tăng 1,14 lần so với năm 2022, tỷ lệ lãnh đạo tiếp công dân tăng 1,3 lần, trong đó thủ trưởng đơn vị trực tiếp tiếp công dân tăng 1,48 lần. Toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó đã rà soát để đưa vào kế hoạch tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Năm 2023, số lượng đơn thư tiếp nhận giảm 1,31 lần so với năm 2022, tỷ lệ giải quyết tăng 1,01 lần, tỷ lệ giải quyết qua vận động công dân rút đơn tăng 1,05 lần.

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

Các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh đã tạo điều kiện để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng thông qua hoạt động của đại biểu Quốc hội, HĐND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Do đó, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phát huy được sức mạnh nội sinh to lớn trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng.


Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh cùng Nhân dân xã Bạch Xa (Hàm Yên) trồng cây xanh.

Năm 2023, Ủy ban MTTQ các cấp đã chủ trì, phối hợp tổ chức 1.878 hội nghị lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 537 ý kiến góp ý của Nhân dân, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia góp ý đối với 394 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch, đề án của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đồng thời phối hợp tổ chức 99 hội nghị đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức 162 đoàn giám sát; phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện 579 cuộc giám sát. MTTQ các cấp đã chủ trì tổ chức 185 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết, quyết định, đề án của HĐND, UBND. Hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tiếp tục được tăng cường. Năm 2023, Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã giám sát 331 cuộc về việc triển khai các nghị quyết của Đảng có liên quan sát thực đến nguyện vọng, lợi ích chính đáng của Nhân dân.

Thông qua đại biểu dân cư, cơ quan dân cử, những kiến nghị chính đáng của Nhân dân được gửi đến nghị trường, những vấn đề Nhân dân quan tâm, cần được tháo gỡ về cơ chế, chính sách được bàn bạc, thảo luận công khai, dân chủ tại các kỳ họp của Quốc hội và HĐND tỉnh, huyện, xã; thông qua hoạt động tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, HĐND với cử tri; hoạt động chất vấn và giám sát của cơ quan dân cử. Năm 2023, đại biểu HĐND tỉnh đã tiếp xúc cử tri tại 97 điểm, đại biểu HĐND huyện tiếp xúc cử tri tại 395 điểm. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri định kỳ và chuyên đề tại 35 cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan dân cử trong tỉnh thường xuyên cập nhật, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri của các cơ quan chức năng, đồng thời thông báo kết quả giải quyết, trả lời của các cơ quan chức năng đến cử tri theo quy định.


Lãnh đạo huyện Yên Sơn thăm tuyến đường thôn Quang Sơn - Quang Chanh, xã Chiêu Yên (Yên Sơn). Ảnh: Minh Thủy.

“Dân là gốc”

Trình bày báo cáo tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, khóa XVII ngày 8-1-2024, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới trong công tác xây dựng Đảng đó là tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 21 của BCH Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Để thực hiện nhiệm vụ này, phương châm lấy “Dân là gốc” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được các cấp ủy đảng trong tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng cần được thực hiện một cách thực chất. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; làm cho Nhân dân hiểu được phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Từ đó người dân phát huy tinh thần chủ động, tự giác trong tham gia xây dựng, góp ý với Đảng, hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, các cấp ủy cần lãnh đạo thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để Nhân dân được đánh giá, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên.


Cán bộ xã Thành Long (Hàm Yên) sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình phát triển sản xuất để vận động Nhân dân phát triển kinh tế.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải thực sự gần Dân, sát Dân, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, tích cực vận động Nhân dân tham gia đóng góp những ý kiến chất lượng với Đảng, tham gia xây dựng các nghị quyết, chính sách pháp luật.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lịch sử đã chứng minh sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của Nhân dân. Do đó cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho Nhân dân dùng quyền dân chủ của mình dám nói, dám làm. Bài học dựa vào Nhân dân, dân là gốc cần phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác lãnh đạo của mỗi tổ chức đảng và đảng viên.


Đồng chí Trần Việt Hùng
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh

Thực hiện nghiêm quy định nêu gương

Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã lãnh đạo thực hiện nghiêm túc quy định của Trung ương, của tỉnh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Năm 2024, Đảng ủy Khối tiếp tục lãnh đạo cán bộ, đảng viên gương mẫu trong tham mưu tổ chức thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đề án của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, phát huy tinh thần gương mẫu trong tham mưu đề xuất giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục gương mẫu trong xây dựng “chi bộ 4 tốt, đảng bộ cơ sở 4 tốt”; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong hoạt động công tác Đảng, trọng tâm là thí điểm sử dụng Sổ tay đảng viên. Đảng ủy Khối lãnh đạo cán bộ, đảng viên gương mẫu, trách nhiệm trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.


Đồng chí Trọng Văn Vĩnh
Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Quan (Yên Sơn)

Đảng viên đi trước, làm trước

Người đứng đầu cấp ủy cần có tinh thần gương mẫu đi trước, làm trước, tạo dựng được sự đoàn kết, thống nhất trong tổ chức đảng, sự tin tưởng, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Muốn vậy, cần có phương pháp làm việc cụ thể, khoa học, gần dân, sâu sát với thực tiễn, không vô cảm trước những khó khăn, vướng mắc của Nhân dân. Cùng với đó, cần nêu cao trách nhiệm trong thực thi công vụ, tạo động lực để quần chúng Nhân dân tích cực hưởng ứng, làm theo.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Kim Quan đạt 51 triệu đồng/người/năm. Năm 2023, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao (tăng 8 tiêu chí so với đầu năm 2023), 100% cơ quan, đơn vị đạt văn hóa, 98% hộ gia đình; 7/7 thôn trong xã đạt chuẩn văn hóa.


Ông Nguyễn Xuân Lung 
Tổ dân phố 17, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang)

Tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng 

Chủ trương dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta ngay từ khi mới thành lập. Trong suốt thời gian qua, Nhân dân đã phát huy vai trò của mình trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng bằng nhiều hình thức, hành động cụ thể. Nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy đảng về công tác cán bộ, các chủ trương, đường lối lớn của Đảng. Nhân dân cũng có quyền góp ý kiến, kiến nghị với tổ chức Đảng và chính quyền, phát hiện những yếu kém, khuyết điểm của tổ chức, cán bộ, đảng viên, phát hiện những tiêu cực; tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua hoạt động đối thoại, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo… Để tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Đảng cần tiếp tục gắn bó mật thiết với Nhân dân, phát huy dân chủ, bảo đảm thật sự vai trò làm chủ của Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách thực chất, hiệu quả.


Anh Cháng A Linh
Dân tộc Mông, thôn Chẩu Quân, xã Bình An (Lâm Bình)

Nhân dân chủ động tham gia xây dựng Đảng

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Là một người dân được thụ hưởng các chính sách đó, tôi cũng luôn ý thức, trách nhiệm tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở cơ sở. Tôi luôn chủ động tham gia đầy đủ, đóng góp ý kiến tại các buổi họp ở thôn; thẳng thắn góp ý theo tinh thần dân chủ, cởi mở, có tính xây dựng để các cán bộ, đảng viên trong thôn ngày càng làm tốt hơn nữa công việc, trách nhiệm của họ đối với Nhân dân. Đồng thời, nêu lên nguyện vọng chính đáng của mình, của Nhân dân tới đại biểu HĐND các cấp thông qua những buổi tiếp xúc cử tri.
Tôi cũng chủ động tìm hiểu thêm thông tin, tự học hỏi để nâng cao hiểu biết của bản thân để có đủ năng lực tham gia giám sát, phản biện trong quá trình triển khai thực hiện các chế độ, chính sách, dự án, công trình xây dựng trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, tố giác, ngặn chặn sớm những hành vi tham nhũng, tiêu cực (nếu có), góp phần làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục