Với gần 60 năm hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gắn liền với công tác lý luận chính trị của Đảng và trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, từ chuyên viên, biên tập viên đến Tổng Biên tập của Tạp chí Cộng sản; Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Quốc Hội; Chủ tịch nước; và cuối cùng là Tổng Bí thư. Là người thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp phụ trách công tác lý luận của Đảng, đồng chí đã thể hiện rõ vai trò là hạt nhân lãnh đạo, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, qua đó đã tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị với tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi mới. Mặc dù công việc bộn bề, Tổng Bí thư vẫn đặc biệt dành thời gian cho nghiên cứu khoa học, cho công tác lý luận chính trị của Đảng. Bằng bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy lý luận sắc bén và tinh thần cách mạng tiến công, nhiều công trình khoa học có giá trị lý luận, thực tiễn và hành động cao đã tác động lớn đến nhận thức chính trị tư tưởng trong Đảng và xã hội, giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức đúng đắn lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên cả phương diện khách quan và chủ quan, nhất là về xây dựng Đảng và triển khai tổ chức các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Những tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo và nguyên tắc hành động trong công tác tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sợi chỉ đỏ, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng làm công tác tư tưởng, trên cơ sở: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, nâng cao tính chiến đấu, chủ động, thuyết phục, hiệu quả, góp phần tạo thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng vững chắc cho việc tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV, từng bước hiện thực hóa mục tiêu: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ cương vị, lĩnh vực công tác nào, từ khi còn là một cán bộ trẻ cho đến khi giữ cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu, trăn trở với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, với trọng trách là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, với nhiều quan điểm, chủ trương hết sức quan trọng, có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ, nhân văn, nhân ái, đầy sức thuyết phục của người đứng đầu Đảng ta. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú, tư duy lý luận sắc bén, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”, nó diễn ra trong nội bộ chúng ta, do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình, liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, chức vụ, danh dự, uy tín của tổ chức và cá nhân con người; đụng chạm đến những người có chức, có quyền.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác cán bộ phải: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Tổng Bí thư khẳng định, xây dựng chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người; bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; quán triệt sâu sắc vai trò của công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, có ý nghĩa quyết định mọi thành công của cách mạng nước ta, cả trước mắt và lâu dài, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. “Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm “đúng vai, thuộc bài”, thật sự chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng”.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa “bảo vệ” và “đấu tranh”, giữa “xây” và “chống”. Gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược và lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cấp bách. Với nhiệm vụ “bảo vệ” kết hợp với “đấu tranh”, cần dựa trên quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “thêm bạn, bớt thù”, lấy “tâm công” làm nền tảng, lấy giáo dục, thuyết phục, tuyên truyền làm trọng, lấy thực tiễn sinh động để chứng minh đường lối đúng đắn, tiến tới chuyển hóa được “đối tượng” thành “đối tác”, qua đó giữ vững đường lối đối ngoại. Cùng với đó, cần chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng đối với những nội dung, chủ thể “chống” trong những điều kiện cần thiết. Với nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đối ngoại tiếp tục góp phần bồi đắp, phát triển, đưa nền tảng tư tưởng của Đảng đi vào thực tiễn. Bằng sự vận dụng sáng tạo và không ngừng đổi mới tư duy, công tác lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn phát huy giá trị trong thời đại mới, ứng phó kịp thời trước những biến động nhanh chóng của thế giới.