Trong 5 năm qua, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ lãnh đạo trọng tâm xuyên suốt. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được đơn giản hóa theo hướng công khai, minh bạch, giảm thời gian giải quyết cho người dân, doanh nghiệp. Bộ máy tổ chức của các cơ quan đơn vị từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối. Tỉnh đã chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Tuy nhiên, công tác CCHC vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó công tác chỉ đạo của lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và cấp xã chưa được quan tâm thường xuyên, chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Chất lượng và hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở một số nơi chưa đạt yêu cầu. Đội ngũ CBCCVC đã được nâng lên, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) còn hạn chế.
Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong CQHCNN các cấp và Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 07/7/2016 của UBND tỉnh về cải cách hành chính, giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020, tỉnh phấn đấu đạt các mục tiêu trọng tâm: Tăng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80%; 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện và 80% cơ quan hành chính cấp xã thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; 7/7 huyện, thành phố có bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. Riêng đối với thành phố Tuyên Quang và huyện Chiêm Hóa xây dựng thí điểm thành công Trung tâm hành chính công.
Để đạt được các mục tiêu này UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trên 7 lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy HCNN; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; CCHC công; hiện đại hóa hành chính; cải cách công tác chỉ đạo, điều hành CCHC.
Tại Hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận: Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ:
Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, vai trò lãnh đạo người đứng đầu các cơ quan hành chính đối với công tác CCHC; phải nhận thức rõ, sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của CCHC, coi CCHC thực sự là một nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. CCHC phải có chương trình, kế hoạch, mục tiêu cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để triển khai thực hiện; tăng cường lấy ý kiến người dân đối với việc xây dựng thể chế, chính sách, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của CBCC, lấy sự hài lòng của người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; tăng cường các giải pháp thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đăng ký với UBND tỉnh nhằm giảm tối thiểu 30% thời gian thực hiện TTHC cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
Tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 28/5/2016 của UBND tỉnh; tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đẩy mạnh công tác cải cách TTHC; các sở, ban, ngành thuộc tỉnh chủ động chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện trình công bố, công khai TTHC bảo đảm kịp thời, đúng quy định; không để xảy ra tình trạng trình công bố TTHC chậm; chấp hành nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ; cải cách mạnh mẽ TTHC trong nội bộ các cơ quan nhà nước, tổ chức sự nghiệp công lập, dịch vụ công và TTHC liên thông giữa các CQHCNN các cấp.
Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; bố trí CBCCVC có năng lực, trình độ, kinh nghiệm công tác tại bộ phận một cửa của cơ quan, đơn vị.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện trên cơ sở các thông tư hướng dẫn của bộ, ngành; triển khai có hiệu quả đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC theo quy định tại Nghị quyết số 39/NQ-TW, Nghị định 108/2014/NĐ-CP và kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ CBCCVC, chấp hành nghiêm Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các CQHCNN; tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động công vụ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC bằng các hình thức phù hợp, có hiệu quả.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của CQHCNN và trong cung cấp dịch vụ công, góp phần bảo đảm tính hiệu quả, kịp thời, công khai, minh bạch trong thực thi công vụ. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của cơ quan, đơn vị.
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác CCHC, trọng tâm là việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị; kịp thời xử lý các vướng mắc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, giám sát của người dân, doanh nghiệp và sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND chắc chắn rằng công cuộc cải cách sẽ có bước đột phá trong thời gian tới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, huy động được mọi nguồn lực cho phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đưa tỉnh ta trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc./.