Trao đổi kinh nghiệm xây dựng, nhân rộng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn

Sáng 10-6, tại Tuyên Quang, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm xây dựng, nhân rộng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn”.
Video không hợp lệ

Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.


Các đại biểu dự hội thảo.

Dự hội thảo có lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các ban Đảng Tỉnh ủy; đại diện Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trung ương Hội Kinh tế môi trường Việt Nam; Ủy ban MTTQ các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài nhấn mạnh, từ năm 2006 đến nay, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo trển khai xây dựng các mô hình điểm Khu dân cư bảo vệ môi trường. Các mô hình hiện đã được nhân rộng tại các địa phương và trong cả nước. Hiện nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành xây dựng Đề án Xây dựng điểm và nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn cộng đồng dân cư. Thông qua đó nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới.


Đồng chí Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn để triển khai rộng rãi trong toàn quốc. Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ thêm những kinh nghiệm cách làm hay, những khó khăn, tồn tại ở địa phương và đưa ra các sáng kiến, đề xuất các giải pháp xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn thời gian tới để hội thảo đạt được kết quả cao.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, từ năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” là một trong 2 nội dung đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Quá trình thực hiện, đã huy động được sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng lòng ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực về cả nhận thức và hành động trong việc thu gom, xử lý rác thải, nâng cao chất lượng môi trường sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân sâu rộng từ thành thị đến nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng trên 4.570 mô hình tổ, nhóm tự quản về thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở khu dân cư... Hội thảo sẽ rút ra những bài học về lý luận, thực tiễn, về nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ, nêu bật nhiều vấn đề liên quan đến công tác xử lý rác thải như: Kinh nghiệm và những cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn tại khu dân cư và công tác phối hợp với ngành tài nguyên và các đoàn thể trong công tác bảo vệ môi trường ở địa phương; những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng mô hình điểm; việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tỷ lệ đốt, tái chế, chôn lấp) ở địa phương; việc hạn chế dùng túi nilon sử dụng một lần và ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; giám sát bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Mặt trận cơ sở; kinh nghiệm trong việc lựa chọn các đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt...


Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự vào cuộc của chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong thu gom, phân loại rác thải ngay tại cộng đồng dân cư; các vấn đề về cơ chế, chính sách Nhà nước trong xử lý rác thải; việc kinh doanh, tái chế rác thải tạo sản phẩm phục vụ đời sống và thân thiện với môi trường...

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài nhấn mạnh, việc xây dựng, nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực. Qua đó hình thành được thói quen, phương pháp thực hiện trách nhiệm giám sát và tự giám sát thực hiện các quy định bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư.

Các tham luận của đại biểu tại hội thảo là những kinh nghiệm quý trong quá trình triển khai thực hiện mô hình ở khu dân cư. Đây là cơ sở để Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoàn thiện Đề án Xây dựng điểm và nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn cộng đồng dân cư để triển khai trong phạm vi toàn quốc. Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa vai trò tuyên truyền, vận động, tham gia cùng với nhân dân trong thực hiện phân loại, xử lý, tái chế và sử dụng hiệu quả rác thải, nâng cao chất lượng môi trường sống, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Ngọc Hưng
Video: Hoàng Thảo

Tin cùng chuyên mục