Dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố.
Thường trực Tỉnh ủy chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Thành Công. |
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hết tháng 9-2021, hoạt động dư nợ tín dụng đạt 20.976 tỷ đồng, so với 31-12-2020 tăng 1.338 tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt 22.606 tỷ đồng, so với 31-12-2020 tăng 146 tỷ đồng. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã tăng cường thực hiện các giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Trong đó, ưu tiên thu nợ gốc trước, trả nợ lãi sau cho 52 doanh nghiệp với số tiền dư nợ là 19,3 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc cho 1.059 khách hàng, tổng dư nợ 359 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ là 87 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn giảm là 240 triệu đồng với 18 khách hàng được miễn giảm lãi và một số biện pháp hỗ trợ khác như giảm lãi vay đối với số dư nợ hiện hữu, cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Các ngân hàng đã giảm các loại phí dịch vụ cho khách hàng, giảm thu từ hoạt động dịch vụ 9 tháng năm 2021 là 8,6 tỷ đồng.
Công tác kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được ngành Ngân hàng đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa các thủ tục vay vốn; từng ngân hàng chủ động làm việc với các doanh nghiệp để thương thảo, điều chỉnh phù hợp hạn mức cấp tín dụng.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ một số vướng mắc, khó khăn để các ngân hàng tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư cho sản xuất - kinh doanh, phục hồi kinh tế, các lĩnh vực ưu tiên thực hiện các khâu đột phá, các đề án, chương trình đã được tỉnh ban hành…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Công. |
Tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cũng đề nghị các ngân hàng cần phải đóng vai trò cung ứng nguồn vốn đầu tư chính cho sự phát triển nền kinh tế. Hiện, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh phải có tư cách pháp nhân tại Tuyên Quang, có sử dụng các dịch vụ ngân hàng cũng như các dịch vụ khác trên địa bàn tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư tín dụng vì vậy ngành ngân hàng cần tạo điều kiện cho các dự án, nhất là các dự án đô thị tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong ngân hàng nhất là việc thu học phí, viện phí qua ngân hàng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Công. |
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị ngành ngân hàng cần tăng mức cho vay đối với ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đây là là ngành mà tỉnh đang khuyến khích phát triển nhưng mức cho vay của các ngân hàng còn quá thấp, không đủ để các hộ gia đình đầu tư sản xuất.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Công. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của ngành Ngân hàng trong thời gian qua. Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác năm 2021, và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, đồng chí đề nghị ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; tập trung khắc phục những tồn tại hạn chế để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.
Đồng chí nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm ngành Ngân hàng tỉnh cần thực hiện là triển khai cụ thể hóa các nghị quyết của Tỉnh ủy, đề án của UBND tỉnh đã ban hành; làm tốt công tác nghiên cứu, phân tích tình hình kinh tế, tiền tệ trên địa bàn để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tỉnh về lĩnh vực liên quan đến tiền tệ, hoạt động ngân hàng và hoạt động ngoại hối phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành huy động vốn, nhất là nguồn vốn trung, dài hạn, tạo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là các lĩnh vực đột phá, phát triển dịch vụ, thương mại, hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn, các công trình, dự án quan trọng của tỉnh, đối tượng có thu nhập thấp, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách nhằm thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Ngành tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, du lịch, nhà hàng; triển khai thực hiện tốt chương trình cải cách hành chính trong toàn ngành theo hướng đơn giản, rút gọn, khoa học.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh cần giao nhiệm vụ cho từng ngân hàng thực hiện nhiệm vụ đầu tư tín dụng cũng như huy động vốn góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm theo kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát nội bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ngân hàng. Ngành Ngân hàng cần làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác xây dựng ngành và kiện toàn bộ máy tổ chức vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới... Về phía các doanh nghiệp, hợp tác xã cần nâng cao năng lực hạch toán, quản trị, năng lực sản xuất kinh doanh để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.