Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Dự tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh; Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.
Tại hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trong đó, đánh giá thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa gồm, điện ảnh, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, xuất bản, thời trang, truyền hình và phát thanh, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 đạt 5,82%; năm 2019 đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu sau hội nghị các bộ, ban, ngành, địa phương sẽ làm thay đổi nhận thức, hành động, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, cuối cùng là cho ra sản phẩm tốt.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải định hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm các ngành công nghiệp văn hóa, tìm giải pháp và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.
Chính phủ phấn đấu mục tiêu đến năm 2030 phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, nhằm đạt mục tiêu đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ văn hóa ngày càng có hàm lượng giá trị cao.