Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Công |
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh Hà Giang, Bình Thuận, Ninh Bình, Thái Nguyên; lãnh đạo Quân khu II; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang qua các thời kỳ; các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Công |
Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đã đọc diễn văn kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh (4/11/1831 - 4/11/2021), 30 năm tái lập tỉnh Tuyên Quang (1991-2021). Diễn văn nêu nêu, ngày 4-11-1831, vua Minh Mệnh tiến hành chia định địa hạt trên phạm vi cả nước, tỉnh Tuyên Quang có 1 Phủ và 5 châu, bao gồm: huyện Yên Sơn, Chiêm Hoá, Hàm Yên, Na Hang và thành phố Tuyên Quang của Tỉnh Tuyên Quang. Sau khi đất nước thống nhất, vào năm 1976, tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Đến năm 1991, tỉnh Hà Tuyên được chia tách thành hai tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang. Kể từ đó, đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang ổn định đến ngày nay. Sự kiện ngày 4-11-1831, vua Minh Mệnh chia định địa hạt, lần đầu tiên trong lịch sử, tỉnh Tuyên Quang xuất hiện trong hệ thống hành chính Nhà nước. Với ý nghĩa quan trọng đó, ngày 4/11/1831 được chọn làm ngày thành lập của tỉnh Tuyên Quang.
Trải qua 190 năm hình thành và phát triển, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn bền bỉ, kiên cường, sáng tạo xây dựng nên một Tuyên Quang rạng rỡ như ngày hôm nay. Nằm ở vị trí chiến lược, “phên giậu của trung châu, địa đầu quan yếu", tỉnh Tuyên Quang luôn sát cánh cùng nhân dân cả nước, anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn, bờ cõi biên cương của Tổ quốc. Từ khi Đảng ra đời, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn một lòng, sắt son theo Đảng, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang tự hào được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm Thủ đô Khu giải phóng lãnh đạo cuộc Cách mạng của dân tộc. Tại xã Tân Trào, đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, quyết định vận mệnh của đất nước làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội cho dân tộc ta.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thành Công |
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Quang vinh dự trở thành Thủ đô Kháng chiến, được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và hầu hết các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương chọn làm nơi đặt trụ sở để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân, phong kiến. Được Bác Hồ, Trung ương Đảng chọn là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng: Tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đại hội đầu tiên được tổ chức ở trong nước và Đại hội duy nhất tổ chức ngoài Thủ đô Hà Nội. Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, tỉnh Tuyên Quang luôn làm tròn nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vừa xây dựng, bảo vệ quê hương, vừa tích cực góp sức người, sức của cho tiền tuyến, cùng với nhân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, Tuyên Quang và Hà Giang được sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Trong 16 năm sáp nhập, tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang luôn đồng lòng, chung sức, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, anh dũng, kiên cường chiến đấu, xây dựng quê hương, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Trong hành trình 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn đoàn kết, sáng tạo, kế thừa thành quả cách mạng của các thế hệ cha anh, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trên tất cả các mặt. Nổi bật là, từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay Tuyến Quang đã có một nền tảng kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bên vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì từ 7 - 8 %/năm, từ năm 1991 đến năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 80 lần; GRDP bình quân đầu người tăng 61 lần; thu ngân sách tăng 30 lần; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 223 lần... là những minh chứng sinh động về kết quả lãnh đạo và tổ chức thực hiện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, nhiều phong trào, mô hình được Trung ương triển khai nhân rộng.
Một tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thanh Phúc |
Với những thành tựu hết sức to lớn của những năm vừa qua, tỉnh Tuyên Quang được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, tiểu biểu như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu tỉnh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang một lần nữa vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng.
Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, chung sức, với quyết tâm chính trị cao xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Khai thác hiệu quả tiềm nặng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho tỉnh.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng của Tổ quốc. Trong tiến trình phát triển, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã xây đắp, gìn giữ, lưu truyền những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, anh dũng, kiên cường, góp phần làm rạng danh trang sử hào hùng của dân tộc ta. Địa danh Tuyên Quang đã gắn với những sự kiện trọng đại, mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng nước ta. Về Tuyên Quang hôm nay, mỗi chúng ta đều tận mắt chứng kiến, từ bản làng nông thôn, miền núi xa xôi đến phố phường thành thị, diện mạo đang từng ngày đổi thay, tươi đẹp hơn xưa, tạo nên sức sống mới, khí thế mới cho tỉnh nhà.
Những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã đạt được rất đáng tự hào; góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với những phần thưởng, danh hiệu cao quý đã được trao tặng, hôm nay Tuyên Quang một lần nữa vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý Huân chương Độc lập hạng Ba, là sự ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của toàn thể đồng chí, đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư đã chúc mừng, đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh đã giành được trong những năm qua. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới Tuyên Quang cần có giải pháp phù hợp, thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, gắn với bảo vệ môi trường phát triển bền vững...
Một tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thanh Phúc |
Cùng với phát triển kinh tế, Tuyên Quang phải hết sức chăm lo bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá cao đẹp của các dân tộc; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân…Đặc biệt, Tuyên Quang vinh dự, tự hào có Khu di tích lịch sử Tân Trào, tỉnh phải thực hiện tốt việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị to lớn của khu di tích để nơi đây không chỉ là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống mà còn phải trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng hàng đầu của vùng trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.
Tỉnh phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với truyền thống 190 năm xây dựng và trưởng thành, tự hào là quê hương, chiếc nôi của cách mạng Việt Nam, đồng chí tin tưởng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, ngày càng giàu đẹp, văn minh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.