Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, thảo luận các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và kết quả giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016-2020 về kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó cho thấy:
* Về việc thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020:
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách hàng năm. Kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước được nâng cao, từng bước gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, tạo tính chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, từng bước cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước.
Tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,68% kế hoạch 5 năm. Thu ngân sách nhà nước từng năm 2016, 2017 và 2018 đều đạt và vượt dự toán. Tuy nhiên, qua xem xét số liệu cho thấy, phần tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương, ngân sách trung ương còn hụt thu trong 2 năm 2016, 2017. Dự kiến thực hiện trong 5 năm (2016-2020) thu ngân sách nhà nước dự kiến đạt khoảng 6,6-6,7 triệu tỷ đồng, đạt 97-98% kế hoạch 5 năm.
Chi ngân sách nhà nước 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,4% kế hoạch 5 năm; cơ cấu chi ngân sách khá tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, cao hơn mục tiêu đề ra (25-26%). Tỷ trọng chi thường xuyên năm sau giảm hơn so với năm trước. Dự kiến trong 5 năm (2016-2020) chi ngân sách nhà nước đạt khoảng 96-97% kế hoạch 5 năm; cơ cấu chi ngân sách có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân đạt 26-27% tổng chi ngân sách nhà nước trong thực hiện, cao hơn mục tiêu 25-26%; tỷ lệ bội chi và nợ công/GDP bảo đảm đạt mục tiêu đề ra. Nợ công hàng năm, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia đều giữ ở thấp hơn giới hạn theo mục tiêu đề ra.
Trong điều hành ngân sách nhà nước, Chính phủ đã chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, giải pháp đề ra chưa được thực hiện triệt để như: phương pháp quản lý chi ngân sách nhà nước vẫn chủ yếu chú trọng đến yếu tố “đầu vào”, chưa quyết tâm thực hiện quản lý theo kết quả “đầu ra” gắn với đánh giá thực hiện nhiệm vụ được giao; việc điều chỉnh các chính sách thu còn chậm và có khó khăn nhất định; việc đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa được thực hiện quyết liệt, đồng bộ.
* Về việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020:
Quốc hội cho rằng, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội và đạt được nhiều kết quả tích cực, thay đổi căn bản phương thức quản lý, cân đối, phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia dành cho đầu tư phát triển, chuyển từ cơ chế quản lý theo kế hoạch đầu tư hằng năm sang kế hoạch trung hạn gắn với kế hoạch hằng năm, tạo chủ động cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong cân đối nguồn lực đầu tư từ ngân sách và huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển. Tổng số vốn đã triển khai phân bổ chi tiết là 1.788.804,318 tỷ đồng, bằng 99,4% tổng mức kế hoạch được Quốc hội quyết định (không bao gồm dự phòng chung 200.000 tỷ đồng). Những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng và các dự án quan trọng quốc gia theo các Nghị quyết của Quốc hội đều được cân đối và bố trí vốn đầy đủ. Nhiều công trình hạ tầng mang tính kết nối vùng được đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng một số công trình lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các hoạt động kinh tế, tăng cường liên kết vùng, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Hiệu quả đầu tư công đã được cải thiện một bước, góp phần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội, hệ số ICOR giảm từ 6,36 của giai đoạn 2011-2014 xuống còn 6,11 trong giai đoạn 2015-2017, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản, góp phần hạn chế đầu tư dàn trải, quyết định chủ trương và quyết định đầu tư chưa phù hợp, không căn cứ khả năng cân đối vốn.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Bố trí vốn không phù hợp với tiến độ thi công dự án, xây dựng kế hoạch đối với nguồn vốn ODA chưa bao quát được hết các hiệp định đã ký kết, chưa tổng hợp đầy đủ số dự án, chưa tính toán cân đối hợp lý giữa nhu cầu vay và khả năng trả nợ, dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị thiếu vốn do phát sinh các Hiệp định ký kết sau, làm tăng áp lực trong việc cân đối giữa các nguồn vốn, dẫn đến vượt mức trần 300.000 tỷ đồng (lên 360.000 tỷ đồng), một số dự án quan trọng quốc gia (dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành) tiến độ triển khai chậm, một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, một số dự án chất lượng chưa bảo đảm, cơ chế thu hút đầu tư PPP chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, tỷ lệ giải ngân trong năm 2016, 2017 thấp, đặc biệt là nguồn trái phiếu Chính phủ đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp (đạt 47,3% năm 2016 và 41,2% năm 2017), ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công.
* Về thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020:
Qua 3 năm thực hiện, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được quy định trong Nghị quyết và đã đạt được những kết quả tích cực. Bố trí 43.119 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các dự án đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời huy động được nguồn lực đáng kể để thực hiện Chương trình này. Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chương trình khá tích cực cả về số lượng, chất lượng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nợ đọng xây dựng cơ bản đã giảm mạnh so với đầu giai đoạn. Nhiều tiêu chí quan trọng như lao động có việc làm, thu nhập, giáo dục... đã đạt được kết quả khả quan, cơ sở hạ tầng của các vùng nông thôn đã được cải thiện, làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo cơ sở để thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong 3 năm qua, ngân sách trung ương đã giao 21.597,557 tỷ đồng, bằng 52,1% tổng vốn cả giai đoạn 2016-2020 để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cùng với khoảng 60.111 tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên, đồng thời huy động khá lớn nguồn lực từ xã hội để thực hiện Chương trình này. Số hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo ước đến cuối năm 2018 chỉ còn 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, số hộ nghèo đa chiều có xu hướng giảm mạnh, nhiều địa phương không còn tình trạng tái nghèo.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế: Việc ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện quá chậm, dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở pháp lý và căn cứ để triển khai thực hiện, việc tích hợp, lồng ghép các chương trình còn hạn chế. Việc giao vốn còn chậm, vẫn còn tình trạng dàn trải, nợ đọng, môi trường ở nhiều vùng nông thôn còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều địa phương còn nợ tiêu chí nông thôn mới. Một số địa phương không đủ khả năng cân đối vốn đối ứng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, tỷ lệ hộ tái nghèo phát sinh còn cao (22,98% tổng số hộ thoát nghèo).
* Về đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi 2016-2018:
Quốc hội cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và một số địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi dân tộc thiểu số, miền núi. Hiện nay, hệ thống chính sách ngày càng đồng bộ, toàn diện, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng tăng và đã đạt được kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số, miền núi vẫn là khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỷ lệ nghèo cao nhất. Vì vậy, trong giai đoạn tới, cần tập trung chỉ đạo, bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách đã ban hành về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tổng kết việc thực hiện chính sách trong giai đoạn vừa qua, nghiên cứu tích hợp hệ thống chính sách hiện hành cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi để tập trung và bảo đảm nguồn lực, khắc phục phân tán, chồng chéo, kém hiệu quả. Tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành giữa các cơ quan liên quan và thu gọn đầu mối quản lý. Ban hành tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi bảo đảm khách quan, khoa học, hợp lý làm cơ sở để hoạch định chính sách dân tộc. Thực hiện quy định của Hiến pháp 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”, thời gian tới, Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách dân tộc mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, theo đó tích hợp các nội dung chính sách, thu gọn một đầu mối quản lý, quy định về cơ chế, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách.
Sau khi xem xét các báo cáo trên Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục phát huy mặt tích cực, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; phấn đấu cao nhất trong hai năm 2019-2020 để đạt và vượt các chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016-2020. Giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP), trước mắt, chỉ đạo các bộ, ngành sớm có cơ chế giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến thanh toán cho nhà đầu tư dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT); xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) để thực hiện từ năm 2021.