Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đồng chí lãnh đạo đại diện các bộ, ngành cơ quan liên quan… Dự hội nghị còn có hơn 500 đại biểu của 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan Thông tấn báo chí ở Trung ương và thành phố Hà Nội đến dự đưa tin về Hội nghị.
Về phía Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang gồm có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh và lãnh đạo các Ban của HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Tuyên Quang.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, hoạt động của Quốc hội Khóa XV và HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 đã trải qua hơn nửa chặng đường. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới, đề ra những giải pháp để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND, từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý đến việc tăng cường các hoạt động gắn kết giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các tỉnh, thành phố. Đồng thời, HĐND các địa phương cũng có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ; cụ thể hóa thành các Nghị quyết, cơ chế, chính sách, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn ở từng địa phương; đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của từng địa phương và cả nước… Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, qua theo dõi thực tiễn và qua báo cáo của HĐND các tỉnh, thành phố, hoạt động của HĐND ở một số nơi còn có những hạn chế về chất lượng các kỳ họp; chưa có biện pháp kiên quyết, hữu hiệu, thực hiện kịp thời, đầy đủ các nội dung kiến nghị sau giám sát; công tác chỉ đạo chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; có lúc, có nơi sự phối hợp công tác giữa các cơ quan chưa thật sự chặt chẽ… đây là những vấn đề cần phải quyết tâm khắc phục.
Các đại biểu đoàn Tuyên Quang dự hội nghị.
Năm 2024 là năm “tăng tốc”, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; đồng thời bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031. Để mang lại hiệu quả thiết thực, đồng chí đề nghị các đại biểu dự họp đầy đủ, thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm cao, trên tinh thần xây dựng, nhất là có những đề xuất, kiến nghị sát thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2024 và nhiệm kỳ 2021-2026; đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày Báo cáo tóm tắt Tổng kết tình hình tổ chức, hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Kết quả năm 2023, HĐND cấp tỉnh trên cả nước đã tổ chức 357 kỳ họp, trong đó có 130 kỳ họp thường lệ, 154 kỳ họp chuyên đề và 73 kỳ họp đột xuất, ban hành 6.377 nghị quyết, tăng 504 nghị quyết so với năm 2022 (trong đó có 1.681 nghị quyết quy phạm pháp luật, 4.696 nghị quyết cá biệt), kịp thời quyết định những vấn đề quan trọng, cấp bách, thực hiện các chủ trương mới của trung ương, đáp ứng cao nhất nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cử tri và Nhân dân; tổ chức 1.332 đoàn giám sát, tăng 225 đoàn so với năm 2022; có 9.618/13.273 kiến nghị được xử lý, đạt tỷ lệ 72,44%; số lượng khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023 giảm 2.038 so với năm 2022, đồng thời tăng cường giám sát theo đến cùng các vụ việc; việc xem xét quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Nhiều phương thức hoạt động mới được HĐND triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả và tính tương tác cao, được cử tri quan tâm theo dõi, đánh giá cao… Trong thành tựu chung đó, có vai trò quan trọng của các cơ quan dân cử, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và HĐND các cấp.
Quang cảnh hội nghị
Sau phần phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, phát biểu chào mừng của Bí thư Thành uỷ thành phố Hà Nội và Báo cáo tóm tắt Tổng kết tình hình tổ chức, hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 do đồng chí Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu; hội nghị xem phóng sự về “Một số hoạt động nổi bật của HĐND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023”. Thường trực HĐND 18 địa phương: Quảng Ninh, Hậu Giang, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đăk Nông, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Trà Vinh, Hòa Bình, Hải Dương, thành phố Cần Thơ, Yên Bái, Hà Tĩnh phát biểu tham luận, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất, kiến nghị về công tác HĐND các tỉnh, thành phố.
Đoàn đại biểu Tuyên Quang chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.
Bế mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các ý kiến phong phú, xác đáng; đồng chí cho rằng sau hội nghị, các HĐND có thể học tập được nhiều kinh nghiệm; các kiến nghị, đề xuất là gợi ý rất tốt cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tổ chức hữu quan cho công tác lãnh đạo chỉ đạo chung. Chủ tịch Quốc hội khẳng định năm 2023, “Làn gió tươi mới” trong hoạt động của cơ quan dân cử địa phương tiếp tục được mở rộng phạm vi, tác động lan tỏa hơn, đồng đều hơn, đạt được kết quả tốt hơn. Hoạt động của HĐND ngày càng hiệu quả, sát thực, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chung của địa phương.
Đồng chí chỉ rõ và biểu dương thành tích của các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hậu Giang, Khánh Hòa, Nam Định, Hưng Yên… Chủ tịch Quốc hội cho biết những địa phương có hoạt động HĐND tốt thì thu ngân sách và tăng trưởng khá, cho thấy vai trò quan trọng của cơ quan dân cử. Cùng với đó, các tỉnh dân số đông như Thanh Hóa, Nghệ An đang vươn lên mạnh mẽ. Các tỉnh đều có nhiều nỗ lực cố gắng. Làn gió tươi mới lan tỏa ở các tỉnh thành với nhiều chuyển biến mạnh mẽ.
Đồng chí Vương Đình Huệ ghi nhận HĐND đã bám sát quy định của pháp luật, thực hiện toàn diện các chức năng từ công tác lập pháp, lập quy đến giám sát, chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng, lấy phiếu tín nhiệm và các công tác khác như chuyển đổi số, công nghệ thông tin, đối ngoại… Chủ tịch Quốc hội cho rằng nguyên nhân của những kết quả trên là do HĐND đã bám sát tinh thần chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, bám sát các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều hướng dẫn được ban hành kịp thời, nhiều thắc mắc của địa phương cũng được trao đổi, trả lời, làm rõ. Cùng với đó là sự tìm tòi đổi mới của chính lãnh đạo chủ chốt, của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu. Công tác phối hợp chặt chẽ, sát sao giữa chính quyền và HĐND, cộng đồng trách nhiệm, phối hợp với nhau từ sớm từ xa, phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan ở trung ương.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND tiếp tục bám sát và tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, Thường vụ cấp ủy đối với tổ chức và hoạt động của HĐND nhiều hơn nữa; thực hiện tốt chức năng của cơ quan dân cử ở địa phương để hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2024; trong đó, tập trung rà sát hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, tháo gỡ vướng mắc, khai thác tối đa nguồn lực. Căn cứ các luật, nghị quyết được ban hành để có kế hoạch triển khai sâu sát đối với các dự án Luật, nhất là Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Luật Tài nguyên nước, các nghị quyết về chính sách đặc thù… Đây là nhân tố quyết định đến hoạt động của HĐND theo đúng chức năng, nhiệm vụ, định hướng, bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý.
Đồng chí nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động của HĐND, trong đó có kỳ họp của HĐND với vai trò là phương thức hoạt động cơ bản nhất của HĐND, ngoài HĐND cấp tỉnh cần quan tâm đến cấp huyện, chú trọng cấp xã; lưu ý một số vấn đề cần quan tâm về chất lượng đại biểu HĐND - yếu tố quyết định đến chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử địa phương; tăng cường công tác dân nguyện ở địa phương, tích cực tham gia các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946-06/01/2026)…
Về các kiến nghị đề xuất của các địa phương, Chủ tịch Quốc hội cho biết năm 2022 ghi nhận các kiến nghị đề xuất đến nay đã thực hiện và giải quyết 44/60 các kiến nghị, đề nghị; Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo giải quyết. Đối với các kiến nghị tại hội nghị lần này, Chủ tịch Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu là đầu mối tổng hợp đầy đủ các ý kiến kiến nghị, đề xuất các địa phương đã nêu để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có chỉ đạo xem xét giải quyết nghiêm túc./.