Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021: Phục hồi và phát triển bền vững

Ngày 05/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến 57 điểm cầu tại địa phương và 3 điểm cầu quốc tế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì diễn đàn.
Video không hợp lệ

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh dự, chủ trì tại điểm cầu Tuyên Quang.

Dự diễn đàn tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tại địa phương; đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế-Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở: Tài chính; Lao động-Thương binh và xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh…

Diễn đàn được chia thành 02 phiên. Phiên toàn thể buổi sáng Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Phiên buổi chiều tọa đàm 02 chuyên đề: “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cả về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì được tăng trưởng kinh tế với tốc độ 2,91%, là một trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương cao nhất thế giới. Năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ kép, phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế nên 6 tháng đầu năm, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,96%. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ tư với chủng mới Delta đã gây thiệt hại nặng nề cho cả kinh tế và các lĩnh vực xã hội, quý 3 tăng trưởng kinh tế âm 6,7% nên 9 tháng năm 2021, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,42% và dự kiến cả năm vẫn đạt tăng trưởng dương nhưng không đạt được mục tiêu mà Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của năm 2021 mà còn cả nhiệm kỳ 5 năm tới.

Để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế, xã hội, các nước trên thế giới đã tung ra nhiều gói chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ khác nhau về quy mô, tùy vào mức độ diễn biến của dịch bệnh, cũng như khả năng về nguồn lực nhất là chính sách tài khóa tiền tệ của từng nước. Trong 2 năm qua, Việt Nam cũng đã sử dụng và khá đồng bộ các chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác. Tổng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa tiền tệ của Việt Nam theo tính toán của các chuyên gia, trong 2 năm (2020 và 2021) ước độ khoảng 4%, thấp hơn một chút so với mức bình quân của các nước trên thế giới. Đối với các nước đang có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp, cỡ khoảng 4,3%, Việt Nam là khoảng 4% GDP của năm 2020. Trong số đó, gói về tài khóa là khoảng 2,9%, về tiền tệ là khoảng 1,1%...

 Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 lần này là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân dân, cử tri, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững; những chính sách cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với quy mô, liệu lượng hợp lý nhất cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để duy trì tăng cường các động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số…

Trao đổi tại diễn đàn, các diễn giả, các nhà khoa học đã cập nhật, đánh giá những vấn đề mới nhất về bối cảnh, tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới; những phân tích, đánh giá và dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh và thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay cũng như xu hướng trong thời gian tới trong thế giới toàn cầu hóa, nhất là Việt Nam đã hội nhập rất sâu và rộng với khu vực và thế giới. Các diễn giả đã tập trung thảo luận về các nội dung: Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; về kinh nghiệm quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế cũng như gợi ý những hàm ý chính sách cho Việt Nam; phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam; dư địa chính sách tài khóa và phối hợp chính sách tài khóa-tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh mới; chính sách thuế cho giai đoạn phục hồi kinh tế; đẩy mạnh Đào tạo nghề góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước; những khuyến nghị về chính sách về lao động, thị trường lao động và việc làm tại Việt Nam./.

Tin: Phòng Công tác Quốc hội
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục