Đồng chí Tăng Thị Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc trình bày báo cáo thẩm tra tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVIII |
Theo báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trình tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVIII, có một số liệu đáng quan tâm, đó là tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh có hơn 1800 vụ ly hôn, tăng 54 vụ so với năm 2018, tăng 412 vụ so với năm 2017; trong đó, số vụ ly hôn thuộc đối tượng lao động nông thôn đi lao động tại các khu công nghiệp chiếm khoảng 25%. Hệ lụy của việc ly hôn, ngoài việc gia đình tan vỡ, còn ảnh hưởng tới con trẻ, gia đình và toàn xã hội. Giám sát tại một số xã, sau ly hôn, cả hai người tiếp tục đi lao động hoặc sinh sống tại địa phương khác, thay đổi phương thức liên lạc dẫn đến tình trạng khó thu hồi khoản vay tín dụng của các cặp vợ chồng trước khi ly hôn, khiến nguồn vốn của các Ngân hàng có nguy cơ bị thất thoát, cơ hội tiếp cận vốn mở rộng hoạt động sản xuất của người dân trên địa bàn bị hạn chế, giảm khả năng tăng trưởng của kinh tế địa phương. Ngoài ra, việc lao động đi làm việc tại địa phương khác không có điều kiện đi về được trong ngày cũng tác động đến cuộc sống của trẻ em. Đa phần trẻ được gửi lại ông bà để cha mẹ đi làm xa, công tác chăm sóc cho trẻ không đảm bảo, dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ không được trang bị kỹ năng sống cần thiết, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ còn dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế, ngày càng nhiều lao động nông thôn lên thành phố tìm cơ hội lập nghiệp hoặc tập trung vào các khu công nghiệp, lực lượng lao động nông nghiệp tại chỗ hầu hết là người lớn tuổi, khả năng tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật hạn chế, năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh tế không cao; tại một số nơi, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, ruộng nương dần hoang hóa, hiệu suất sử dụng đất ngày càng suy giảm. Hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở cũng bị ảnh hưởng do những người đứng đầu các tổ chức này nằm trong số lượng lao động ly hương. Để từng bước khắc phục những khó khăn, thách thức từ mặt trái của việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, cùng tham gia điều chỉnh để giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn, cụ thể cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng nông thôn, dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hóa, sản xuất theo các quy trình chuẩn VIETGAP, sản xuất đảm bảo đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến mẫu mã tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn; tăng cường công tác tuyên truyền trong lao động nông thôn về việc tham gia phát triển sản xuất tại địa phương để phát triển kinh tế bền vững và ổn định; thu hút các doanh nghiệp tham gia sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương để tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn có như vậy mới giữ chân được người lao động nông thôn tham gia phát triển sản xuất tại địa phương.