Một số giải pháp để thực hiện tốt hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân

Tiếp xúc cử tri là một trong những hoạt động thể hiện trách nhiệm của đại biểu HĐND, được quy định tại Điều 94 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Quy hoạch năm 2017; Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019).


Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân trò chuyện cùng cử tri xã Trung Môn (Yên Sơn) tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ chín (Ngày 21/11/2024).

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ký Chương trình phối hợp công tác, ban hành kế hoạch tiếp xúc cử tri trong cả nhiệm kỳ.

Địa điểm tiếp xúc cử tri được lựa chọn, lên lưới ngay từ đầu nhiệm kỳ, đảm bảo tất cả xã, phường, thị trấn và cơ bản các thôn, tổ dân phố đều được tiếp xúc cử tri, không trùng chéo địa bàn. Trước kỳ họp thực hiện việc tiếp xúc cử tri tại thôn, tổ dân phố, tạo thuận lợi cho mọi cử tri của thôn, tổ thuộc địa bàn đó được tham dự hội nghị, trình bày tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị với đại biểu HĐND. Sau kỳ họp tổ chức tiếp xúc cử tri tại trung tâm xã, phường, thị trấn, thành phần bao gồm cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của xã, các thôn, tổ dân phố trên địa bàn để tại đó đại biểu HĐND thông tin về kết quả kỳ họp, nội dung các nghị quyết đã được HĐND tỉnh quyết nghị, trên cơ sở đó các cử tri đại diện cho xã, thôn nắm, tuyên truyền, phổ biến đến cử tri và nhân dân nắm bắt, thực hiện.

Cùng với đó là việc đa dạng hoá nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri, kết hợp tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND 02 cấp (tỉnh, huyện), 03 cấp (tỉnh, huyện, xã) hoặc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, huyện, xã với cử tri. Cùng với tiếp xúc cử tri trực tiếp, một số tổ đại biểu đã tổ chức tiếp xúc cử tri trực tuyến cùng thời gian, địa điểm, tiết kiệm thời gian và tiếp nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 02 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề: (1) về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, (2) về các cơ chế chính sách do HĐND tỉnh ban hành. Từ các buổi tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND nắm bắt, lắng nghe những ý kiến từ cơ sở để tiếp tục có những quyết sách sát với thực tiễn, hợp lòng dân hơn; kịp thời phát hiện nhiều vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong thực tiễn hoặc trong quá trình tổ chức thực hiện các chính sách, từ đó tổ chức giám sát, khảo sát, có báo cáo đánh giá để kiến nghị, phản ánh tới cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung phù hợp.


Giao diện tiếp nhận kiến nghị của cử tri trên Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND trực tiếp trao đổi về những vấn đề cử tri kiến nghị. Nội dung trao đổi khách quan, thẳng thắn, tiếp thu các kiến nghị chính đáng, tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND tỉnh các kiến nghị thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, Trung ương. Các nội dung giải quyết thuộc thẩm quyền của cấp huyện, cấp xã được đại biểu HĐND tiếp thu, đề nghị huyện, xã xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo với cử tri và tổ đại biểu HĐND tỉnh để giám sát. Nhiều kiến nghị của cử tri đã được đại biểu HĐND tỉnh trả lời, trao đổi để cử tri nắm bắt được ngay tại hội nghị tiếp xúc cử tri.

Kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại 425 điểm, chuyển 1.017 kiến nghị của cử tri đến UBND tỉnh giải quyết theo quy định.

Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy nhiều đại biểu HĐND chưa thực hiện tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi công tác; chưa báo cáo với cử tri kết quả hoạt động của đại biểu. Một số đại biểu chỉ tiếp thu, chưa có trả lời, trao đổi về các kiến nghị cử tri quan tâm.

Từ những vấn đề trên, để hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp đạt hiệu quả, thực hiện theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cần chú ý một số giải pháp sau:

(1) Thường trực HĐND với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ phải lựa chọn địa điểm tiếp xúc cử tri phù hợp, trên cơ sở kế hoạch chung cả nhiệm kỳ và hằng năm tránh trùng lắp địa điểm.

(2) Chuẩn bị tài liệu tiếp xúc cử tri (đề cương tiếp xúc cử tri) đầy đủ, ngắn gọn (dự kiến nội dung chương trình kỳ họp, những vấn đề lớn sẽ đưa ra xem xét tại kỳ họp; tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương (trước kỳ họp); kết quả kỳ họp, những nội dung HĐND đã quyết nghị (sau kỳ họp); kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước (gồm cả tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp); kết quả hoạt động của HĐND cấp mình, kết quả hoạt động của đại biểu (ở kỳ tiếp xúc cử tri cuối năm).

Đối với tiếp xúc cử tri chuyên đề cần xây dựng báo cáo kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến chuyên đề, các văn bản tài liệu liên quan đến chuyên đề; ý kiến của cử tri và nhân dân (nếu có).

(3) Đối với cá nhân đại biểu HĐND cần nghiên cứu, nắm chắc các nội dung đề cương tiếp xúc cử tri để báo cáo với cử tri. Nắm chắc những nội dung mà HĐND sẽ và đã quyết định thông qua để thông tin tới cử tri; nắm bắt tình hình đời sống kinh tế xã hội của địa phương, những vấn đề cử tri quan tâm để khi cử tri có ý kiến kiến nghị, những nội dung đại biểu nắm chắc thì phải trả lời, giải thích ngay với cử tri. Ngoài các tài liệu do Thường trực HĐND các cấp chuẩn bị, đại biểu cần chủ động chuẩn bị thêm các tài liệu khác liên quan như thông tin về tình hình trong nước và quốc tế; các thông tin liên quan đến địa bàn mình thực hiện việc tiếp xúc cử tri; các chính sách, luật mới ban hành,…

(4) Trong cuộc tiếp xúc cử tri, chủ trì buổi tiếp xúc cần điều hành khoa học, cử thư ký có kinh nghiệm ghi chép đầy đủ, chính xác các ý kiến của cử tri để tổng hợp báo cáo thường trực HĐND chuyển cho UBND, các cơ quan, đơn vị xem xét giải quyết. Những ý kiến cần giải quyết ngay đại biểu tham mưu cho Thường trực chuyển ngay ý kiến đến cơ quan chức năng giải quyết.

(5) Tiếp tục tuyên truyền cho cử tri biết khi có ý kiến cần kiến nghị có thể kiến nghi ngay trực tiếp với đại biểu HĐND cấp gần nhất để đại biểu kịp thời báo cáo thường trực HĐND chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết không chờ có hội nghị tiếp xúc cử tri mới có ý kiến.

Đối với HĐND tỉnh đề nghị tiếp tục tuyên truyền để cử tri biết gửi ý kiến trên Trang thông tin điện tử Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Tuyên Quang (https://hdndtuyenquang.gov.vn).

(6) Đa dạng hoá hình thức tiếp xúc cử tri là hình thức trực tuyến với trực tiếp; tiếp xúc cử tri nơi cư trú và nơi công tác; từng đại biểu phải chuẩn bị nội dung hoạt động của đại biểu trong năm để báo cáo với cử tri sau kỳ họp HĐND cuối năm.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục