Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận rút ra những bài học kinh nghiệm, những giải pháp hữu hiệu để tiếp tục đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử và việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Về hoạt động tiếp xúc cử tri: Hoạt động tiếp xúc cử tri của HĐND trên địa bàn tỉnh được đổi mới và nâng cao hiệu quả, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của cử tri đến cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền. Trong 9 tháng đầu năm, đại biểu HĐND tỉnh đã TXCT tại 112 điểm, với 569 ý kiến, kiến nghị; HĐND các huyện, thành phố TXCT tại 450 điểm, với 1.351 ý kiến, kiến nghị. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được tổng hợp, phân loại chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đến nay, trên 80% ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được xem xét, giải quyết và trả lời.
Tại mỗi điểm tiếp xúc đều có sự tham gia của lãnh đạo chủ chốt địa phương và một số phòng, ban liên quan để ghi nhận và trực tiếp trả lời kiến nghị của cử tri tại hội nghị theo thẩm quyền.
Đa số đại biểu HĐND các cấp đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở địa bàn ứng cử. Các Tổ đại biểu đã thực hiện việc tổng hợp và gửi các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Thường trực HĐND tỉnh, huyện, thành phố. Thường trực HĐND tỉnh, huyện, thành phố tổng hợp, phân loại chuyển các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời cử tri theo đúng quy định.
Về trả lời kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri: Nội dung kiến nghị của cử tri chủ yếu tập trung vào các vấn đề xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, trường học, điện sinh hoạt, nước sạch nông thôn, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp (đập thủy lợi, kênh mương nội đồng...), giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện chế độ chính sách cho các hộ di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang; chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở, người có công với cách mạng; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân; công tác phòng ngừa và chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma tuý; chấn chỉnh, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc đơn thư tồn đọng, kéo dài, nhất là về lĩnh vực đất đai, đảm bảo vệ sinh môi trường…
Những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu đại diện UBND huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trả lời ngay hoặc nhận trách nhiệm giải quyết trước cử tri. Các kiến nghị của cử tri liên quan đến thẩm quyền cấp tỉnh chưa thể giải quyết ngay đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo để cử tri chia sẻ những khó khăn chung của địa phương.
Ngay sau khi nhận được các ý kiến, kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND chuyển đến, UBND các cấp đã kịp thời chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các ngành, các cơ quan đơn vị liên quan nghiên cứu giải quyết, trả lời. Các cơ quan, đơn vị tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri đã tiến hành kiểm tra, rà soát, xác minh thực tế và đề xuất biện pháp giải quyết, trả lời những vấn đề cử tri có ý kiến, cơ bản các ý kiến, kiến nghị được giải quyết và trả lời theo đúng quy định pháp luật. Báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được gửi đến HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và đại biểu HĐND để thông báo cho cử tri nơi có ý kiến, kiến nghị được biết.
Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ Đại biểu và đại biểu HĐND thực hiện tốt việc giám sát việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tồn tại, hạn chế: Một số hội nghị TXCT số lượng cử tri đến dự không đông và đầy đủ nên việc nắm bắt, thu thập ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, phổ biến các nghị quyết, chế độ chính sách.... bị hạn chế. Chưa tổ chức TXCT theo chuyên đề, theo lĩnh vực. Việc giải trình, tiếp thu ý kiến của cử tri của một số đại biểu và cơ quan chuyên môn còn lúng túng.
Tài liệu phục vụ TXCT chưa phong phú; chậm đổi mới cách thức tổng hợp, cung cấp. Một số đại biểu HĐND chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu về đặc điểm tình hình nơi TXCT, nhất là tình hình cử tri, nội dung cử tri quan tâm để nâng cao chất lượng, hiệu quả TXCT; kỹ năng TXCT của một số đại biểu còn hạn chế, nội dung báo cáo trình bày tại các cuộc TXCT còn dài, chiếm nhiều thời gian; việc trả lời ý kiến tại buổi tiếp xúc còn chung chung hoặc chỉ ghi nhận, nên cử tri chưa thật sự hài lòng; việc tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri của một số Tổ đại biểu sau khi TXCT gửi về Thường trực HĐND còn chậm, phân cấp theo thẩm quyền chưa rõ ràng, cụ thể, tổng hợp cả những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền đã được trả lời ngay tại hội nghị TXCT.
Việc giữ mối liên hệ của đại biểu với cử tri nơi ứng cử của một số đại biểu chưa thường xuyên, chưa nắm được khó khăn, vướng mắc ở cơ sở để phản ánh giải quyết kịp thời nguyện vọng của cử tri.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được trả lời tại hội nghị TXCT sau đó không được thể chế hóa thành văn bản. Việc trả lời, giải quyết một số ý kiến, kiến nghị của cử tri không sát với điều kiện thực tế hoặc tiến độ giải quyết chậm; một số ý kiến, kiến nghị của cử tri có cơ sở và điều kiện giải quyết dứt điểm nhưng chưa được các cấp, các ngành chuyên môn phối hợp giải quyết xong; việc tiếp thu, trả lời đối với nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri về đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở chưa có điều kiện giải quyết của các cơ quan chức năng còn chung chung, viện dẫn, chưa rõ phương hướng, kế hoạch lộ trình giải quyết cụ thể hoặc được xử lý khắc phục ở mức độ nào để cử tri yên tâm. Một số ý kiến hứa có thời hạn giải quyết nhưng đến thời hạn vẫn chưa giải quyết xong.
Công tác thông tin, tuyên truyền về giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa thực sự hiệu quả, một số cơ quan được giao giải quyết ý kiến, kiến nghị chưa thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời kết quả giải quyết đến địa phương, đơn vị có ý kiến, kiến nghị để tuyên truyền đến người dân.
Nguyên nhân: Hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri là đề nghị đầu tư xây dựng hạ tầng về giao thông, trường học, điện, nước sạch, bổ sung đất ở, đất sản xuất cho các hộ di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, nhưng hiện nay chưa có đủ nguồn lực để giải quyết đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Một số chính sách pháp luật quy định chưa rõ ràng, cụ thể hoặc chưa thống nhất, dẫn đến việc áp dụng giải quyết đối với một số ý kiến, kiến nghị của cử tri gặp khó khăn, nhất là quy định về giao đất rừng tự nhiên cho các hộ gia đình; giải quyết chế độ, chính sách thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội...
Trình độ, năng lực của đại biểu không đồng đều, việc nắm bắt các lĩnh vực kinh tế - xã hội của một số đại biểu còn hạn chế. Các Tổ đại biểu sau khi tiếp xúc cử tri chưa tiến hành họp tổ đại biểu để tổng hợp, sàng lọc ý kiến, kiến nghị cử tri chuyển đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết, dẫn đến số ý kiến đề nghị giải quyết lớn trong khi nhiều ý kiến đã được trả lời, giải đáp ngay tại buổi tiếp xúc cử tri.
Một số ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp đề nghị giải quyết chưa thật sự có cơ sở hoặc không đúng với kiến nghị của cử tri; một số ý kiến được chuyển đến các cơ quan, đơn vị giải quyết chưa đúng thẩm quyền, dẫn đến việc xem xét trả lời, giải quyết của các cơ quan chức năng gặp khó khăn. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa chặt chẽ, đồng bộ.
Một số bài học kinh nghiệm
1. Thực hiện tốt quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tiếp công dân, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; quy định việc tiếp nhận, xử lý, đôn đốc và giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; quy định một số nguyên tắc xây dựng và thực hiện lịch tiếp xúc cử tri hằng năm của đại biểu HĐND các cấp.
2. Xây dựng kế hoạch TXCT phải cụ thể, bố trí thời gian, địa điểm phù hợp để cử tri và đại biểu có điều kiện tham gia đông đủ; cách thức điều hành buổi tiếp xúc cần linh hoạt, người điều hành cần định hướng nội dung của từng đợt TXCT phù hợp, có thể gợi mở vấn đề để cử tri tham gia. Chú trọng đổi mới hình thức tổ chức, và nội dung tiếp xúc để có nhiều cử tri tham gia.
3. Đại biểu HĐND phải tham gia đầy đủ các cuộc TXCT, đổi mới công tác TXCT theo hướng đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở, nghiên cứu, chuẩn bị kỹ tài liệu, nội dung phát biểu trước cử tri; rà soát, tổng hợp những ý kiến, kiến nghị và những vấn đề được cử tri quan tâm nêu tại các cuộc TXCT trước đã được cấp có thẩm quyền giải quyết, trả lời để tránh tình trạng cử tri kiến nghị nhiều lần cùng một ý kiến. Đại biểu cần phân loại nhanh ý kiến nào thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã, cấp huyện, thành phố thì đề nghị đại diện chính quyền trả lời trực tiếp; những ý kiến nào đại biểu hiểu sâu có thể trao đổi ngay với cử tri; vấn đề nào đòi hỏi thời gian hoặc chưa có điều kiện giải quyết, cần giải thích rõ, không từ chối, né tránh hoặc hứa hẹn.
4. Tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri kịp thời, đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, chính xác và chuyển UBND để phân công, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết, trả lời theo đúng thời gian quy định.
5. Tập trung tập huấn nâng cao năng lực TXCT cho đại biểu. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, cung cấp thông tin. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi đại biểu HĐND trong việc chủ động khai thác, thu thập thông tin.
6. Tăng cường công tác giám sát việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Một số kiến nghị:
1. Đối với Ủy ban nhân dân các cấp
Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra các cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm, tập trung giải quyết cụ thể, trực tiếp, kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Rà soát các ý kiến về quy hoạch, có lộ trình đầu tư xây dựng các công trình, dự án được nhân dân quan tâm kiến nghị nhiều lần, nhất là về giao thông, thủy lợi, nước sạch nông thôn để trả lời cử tri.
Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri, đảm bảo cử tri ở địa phương, đơn vị có ý kiến, kiến nghị được thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan chức năng.
Sau hội nghị tiếp xúc cử tri UBND các cấp phải thể chế hóa bằng văn bản các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền đã được trả lời tại hội nghị TXCT gửi Thường trực HĐND và địa phương nơi TXCT. Tổng hợp, phân loại chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, đơn vị đảm bảo chính xác đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giải quyết.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tích cực giải quyết có hiệu quả các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền; tập trung giải quyết các ý kiến, kiến nghị bức thiết của nhân dân.
2. Đối với đại biểu, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân
Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy chế hoạt động của HĐND tỉnh, huyện, thành phố (nhiệm kỳ 2016-2021), tổ chức họp Tổ đại biểu sau mỗi lần tiếp xúc cử tri để tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền, ghi rõ các ý kiến đã được trả lời tại hội nghị tiếp xúc, chuyển các cơ quan có trách nhiệm giải quyết đảm bảo chính xác, đầy đủ, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Chủ động, tích cực theo dõi, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; nghiên cứu nắm rõ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để tuyên truyền giải thích và trả lời ý kiến, kiến nghị ngay tại buổi tiếp xúc cử tri, hạn chế việc tổng hợp đề nghị giải quyết, trả lời đối với nhiều vấn đề tương tự cơ quan chức năng đã trả lời ở địa phương này nhưng đến địa phương khác lại tiếp tục có kiến nghị của cử tri./.