Lấy phiếu tín nhiệm là việc HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm HĐND thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực Nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân, thay mặt nhân dân giám sát người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Việc lấy phiếu tín nhiệm, sẽ giúp những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy tối đa năng lực và nhiệt huyết để cống hiến, nâng cao hiệu quả công việc. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm làm cơ sở, căn cứ để cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Trong phiên họp ngày 25 tháng 9 năm 2018, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã bàn kế hoạch tổ chức việc lấy phiếu tín đối với những người do Hội đồng nhân dân bầu theo quy định. Dự kiến, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021 thực hiện tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII đối với 28 người do HĐND bầu, gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên Thường trực, Trưởng các Ban và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh.
Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Hội đồng nhân dân bầu, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã thảo luận, cho ý kiến chi tiết, cụ thể về đối tượng, nội dung, trình tự tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm chặt chẽ, thận trọng, đúng quy định, dân chủ, khách quan, công tâm, thực chất, đạt mục đích, yêu cầu đặt ra, không hình thức. Mỗi đại biểu HĐND phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm thay mặt cử tri, thay mặt nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm đối với người được HĐND bầu hoặc phê chuẩn; phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thảo luận, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác mức độ tín nhiệm của mình đối với người được lấy phiếu tín nhiệm; phải thực sự lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, dành thời gian nghiên cứu báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm, báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam, lắng nghe, sàng lọc thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội một cách cẩn trọng. Người được lấy phiếu tín nhiệm phải chuẩn bị báo cáo về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và phẩm chất, đạo đức, lối sống một cách trung thực, khách quan. Thực hiện công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, đồng thời phải trả lời nghiêm túc, đầy đủ, trung thực những vấn đề mà đại biểu HĐND nêu. Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), người được lấy phiếu có trách nhiệm kiểm điểm, đánh giá về việc có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong báo cáo bằng văn bản của mình gửi HĐND để làm căn cứ cho đại biểu HĐND đánh giá mức độ tín nhiệm.