Kính thưa Chủ toạ kỳ họp!
Kính thưa các vị đại biểu HĐND tỉnh!
Thưa các đại biểu dự kỳ họp!
6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân song với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp với tỷ lệ cử tri đi bầu cao, đạt 99,81%. Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ở mức khá, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,19% so với cùng kỳ năm 2020, đứng thứ 6/11 tỉnh trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc. UBND tỉnh chủ động, tích cực trong xây dựng, ban hành và triển khai các Nghị quyết, Chương trình, Đề án, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (đã ban hành 9/12 chương trình, đề án). Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình, Yên Sơn, công bố Thành phố Tuyên Quang đô thị loại II...
Trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh đã hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025; phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất huyện, thành phố giai đoạn 2021 -2030; triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm năm 2021 như động thổ xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai; thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Cầu Km 71 Bạch Xa bắc qua sông Lô, Cầu Xuân Vân bắc qua sông Gâm, Cầu Sơn Dương bắc qua sông Phó Đáy, đường trục phát triển thành phố Tuyên Quang -Yên Sơn, đặc biệt, trong thời gian rất ngắn đã đề xuất báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự án đầu tư đường Bắc Cạn - Ba Bể - Na Hang vào đầu tư công giai đoạn 2021 -2025. Tiến độ giải ngân đầu tư công toàn tỉnh đạt 39% bằng với trung bình cả nước. Thu ngân sách đạt 50%, tăng 27,4% so với cùng kỳ. Tổ chức hội nghị đối thoại gặp gỡ doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Đẩy mạnh thu hút, mời gọi các dự án đầu tư ngoài ngân sách, trong đó nhiều nhà đầu tư lớn đã cho chủ trương nghiên cứu khảo sát đề xuất quy hoạch. Bên cạnh đó thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid -19, lập các chốt kiểm soát, đón công nhân ở khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang về thực hiện cách ly an toàn.
Để tiếp tục thực hiện "Mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các Nghị quyết, chương trình, Đề án, Kế hoạch, dự án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong đó Đề án phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giai đoạn 2021-2025 là một trong những nhiệm vụ, yêu cầu tất yếu để góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, làm tốt công tác quy hoạch để thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng trục giao thông động lực nối thành phố Tuyên Quang với Trung tâm huyện Yên Sơn; thành phố Tuyên Quang - Suối khoáng Mỹ Lâm; đường vành đai thành phố Tuyên Quang; đường Suối khoáng - nút giao quốc lộ 2D với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; đường Ninh Lai, Sơn Dương - Đạo Trù, Tam Đảo từ đó khai thác quỹ đất đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp. Đây là những trục giao thông quan trọng, nếu sớm được đầu tư công sẽ có khả năng dẫn dắt đầu tư tư, tạo động lực thu hút thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, nguồn ngân sách Trung ương cho đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 tăng hơn so với trước, tuy nhiên chưa đáp ứng được so với nhu cầu đầu tư (12.500/45.000 tỷ đồng); Ngoài ra, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 đã loại bỏ các dự án đầu tư theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), làm gia tăng áp lực trong việc bố trí vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Với phương châm phân bổ đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, do đó cần phải vận động, thu hút nguồn vốn từ các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế với nhiều thành tố ưu đãi, phù hợp với điều kiện vay của tỉnh để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng như thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn kinh tế mạnh trong nước.
Thứ ba, thực hiện công tác lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư (lập dự án, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật) xong trước 30/11 năm trước để triển khai thực hiện cho năm sau.
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm, tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp cho huyện, thành phố để chủ động hơn; thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đi trước, song trước công tác đầu tư xây dựng.
Thứ năm, các chủ đầu tư cần bố trí cán bộ đủ năng lực, kinh nghiệm, chuyên nghiệp để năng cao hơn nữa công tác quản lý dự án./.