Sơn Dương xã hội hóa làm đường giao thông

Từ nhiều năm nay, trên địa bàn huyện Sơn Dương có một số tuyến đường liên xã bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc giao thương của người dân, học sinh đến trường gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử như tuyến đường Kỳ Lâm - Thiện Kế - Sơn Nam (ĐH 03) với chiều dài 20,5 km qua các xã Hợp Hòa, Thiện Kế, Ninh Lai, Sơn Nam. Tuyến đường được đầu tư trải cấp phối từ năm 2003 nhưng do nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng hàng năm chỉ có 18 triệu đồng/km, không đáp ứng được nhu cầu nên ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.  


Tuổi trẻ huyện Sơn Dương đóng góp ngày công lao động tu sửa tuyến đường Kỳ Lâm - Thiện Kế - Sơn Nam.

Sau nhiều lần tổ chức họp lấy ý kiến đông đảo của nhân dân, UBND huyện Sơn Dương đã quyết định chọn phương án huy động sức dân và doanh nghiệp trên địa bàn để làm đường. Chủ trương đáp ứng nguyện vọng của nhân dân nên ngay lập tức được nhân dân ủng hộ nhiệt tình. Theo đó, từ giữa tháng 8-2017, Sơn Dương đã xây dựng kế hoạch và triển khai tu sửa 3 tuyến đường với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng theo phương châm Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, nhân dân tự giải tỏa hành lang, nạo vét rãnh dọc, lắp dựng hệ thống thoát nước, các doanh nghiệp ủng hộ kinh phí, vật liệu, phương tiện kỹ thuật và tổ chức thi công. Các tuyến đường bao gồm: Đường Kỳ Lâm - Thiện Kế - Sơn Nam (ĐH 03) với chiều dài 20,5 km; đoạn đường tại km 33 đường ĐT 186 thuộc địa bàn xã Văn Phú; đường vào trường mầm non xã Sầm Dương.

Ngay sau khi có chủ trương của UBND huyện, từ cuối tháng 8, các địa phương huy động người dân tập trung nhân lực, vật lực tu sửa đường. Trước đó, Huyện đoàn Sơn Dương tổ chức ra quân tình nguyện sửa chữa tuyến đường ĐH 03 từ tổ dân phố Kỳ Lâm, thị trấn Sơn Dương đến các xã Hợp Hòa, Thiện Kế và Sơn Nam. Tham gia tình nguyện có trên 700 đoàn viên thanh niên của 33 đoàn xã, thị trấn. 

Theo UBND xã Thiện Kế, xã đã vận động người dân sống 2 bên đường đóng góp ngày công nạo vét rãnh thoát nước, lắp đặt cống, san mặt đường. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ máy móc, thiết bị để tu sửa, như Công ty TNHH Thanh Hải, Công ty Long Thắng, Công ty Tây Hồ. Nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã có máy xúc, máy ủi, ô tô tải cũng tự nguyện hỗ trợ như hộ ông Nguyễn Văn Phấn, thôn Cầu Xi... Hiện các ổ voi, ổ gà trên tuyến đường này đã cơ bản được khắc phục, hệ thống rãnh nước dọc 2 bên đường được nạo vét. Cây Cầu Xi trên địa bàn xã bị hư hỏng sau trận lũ tháng 7-2016 cũng đã được Công ty TNHH Thanh Hải hỗ trợ 1 phần kinh phí làm đường vòng phục vụ đi lại của người dân. 

Tuyến đường dài 90 m vào trường Mầm non xã Sầm Dương lầy thụt, xuống cấp từ nhiều năm nay, khiến việc đi lại, đưa đón học sinh gặp nhiều khó khăn. Trước ngày khai giảng, nhiều phụ huynh học sinh đã bàn nhau tự nguyện đóng góp tiền mua cát sỏi, thuê xe lu về lu lại nền đường. Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Sầm Dương cho biết, toàn bộ tuyến đường 90 m, rộng 4 m được hoàn thành trước ngày khai giảng năm học mới với tổng kinh phí 47 triệu đồng, trong đó giáo viên trường Mầm non xã Sầm Dương hỗ trợ 5 triệu đồng, Hội cha mẹ học sinh 24 triệu đồng, còn lại là cán bộ, công chức xã, cán bộ thôn, giáo viên trường Tiểu học và THCS xã và cán bộ Trạm Y tế xã đóng góp...  

Đoạn đường dài 300 m tại km 33 đường ĐT 186 thuộc địa bàn xã Văn Phú cũng xuống cấp từ 3 - 4 năm nay. Ông Bùi Xuân Lượng, Chủ tịch UBND xã cho biết, rãnh thoát nước 2 bên đường bị tắc từ nhiều năm nay, nước không thoát được gây hỏng hóc đường. Giữa tháng 9, xã Văn Phú huy động hơn 30 hộ dân 2 bên đường nạo vét cống rãnh, lắp đặt và đổ nắp cống... Tổng số tiền người dân đã đóng góp tu sửa đường xấp xỉ 200 triệu đồng. 

Với cách làm trên, Sơn Dương đã huy động trên 8 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường xuống cấp và là địa phương đầu tiên nâng cấp, sửa chữa những con đường bằng nguồn vốn xã hội hóa 100%. Hiện, UBND huyện đang tiếp tục rà soát các tuyến đường đã xuống cấp tại các xã, xây dựng chủ trương và kế hoạch thực hiện trong những năm tiếp theo. 

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục