Họp giải trình về quản lý, bảo vệ rừng và quy hoạch, phát triển vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm

Ngày 28-11, Thường trực HĐND thành phố Tuyên Quang tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý, bảo vệ rừng; công tác quy hoạch, phát triển vùng sản xuất hàng hóa và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Lãnh đạo HĐND thành phố Tuyên Quang chủ trì và phát biểu tại phiên giải trình.

Toàn thành phố hiện có trên 4.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó hơn 700 ha rừng phòng hộ và trên 3.300 ha rừng sản xuất. Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm thành phố đã tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho gần 5.000 người; có 1.915 hộ gia đình và 2.744 học sinh ký cam kết bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; vận động các tổ chức, cá nhân trồng mới trên 159 ha rừng; kiểm tra, phát hiện, xử lý 8 vụ vi phạm hành chính về rừng, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 38,8 triệu đồng. Thực hiện Nghị quyết số 16 ngày 22-5-2016 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI, thành phố đã phát triển được gần 130 ha các loại cây ăn quả, 88,76 ha đất sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa đào, 174 lồng cá, trên 7.000 đàn ong…Đến nay, thành phố có mật ong Phong Thổ, xã An Khang đã được công nhận nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa.

Tại phiên giải trình, các đại biểu đã yêu cầu lãnh đạo Hạt Kiểm lâm, Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường giải trình làm rõ một số vấn đề liên quan đến số liệu chênh lệch giữa diện tích đất lâm nghiệp, diện tích đất rừng, việc giao chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ rừng của UBND thành phố và Hạt Kiểm lâm thành phố; việc xây dựng quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm của đảng ủy, UBND các xã, phường có nội dung, chỉ tiêu chưa bám sát với kế hoạch của Thành ủy, UBND thành phố và thực tế của địa phương và các giải pháp để khắc phục các vấn đề này.

Thường trực HĐND thành phố Tuyên Quang đã yêu cầu các đơn vị quản lý phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các địa phương rà soát lại hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để thuận tiện cho việc quản lý đất rừng, việc giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2019; đánh giá các đề án, kế hoạch về phát triển nông nghiệp hàng hóa trong những năm qua, trong đó phải phân tích được thực trạng, nguyên nhân chủ quan, khách quan trong quá trình triển khai thực hiện. Qua đó có những giải pháp phù hợp để tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện trong thời gian tới, phù hợp với địa phương và nâng cao giá trị sản xuất theo hướng thực chất, chất lượng.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục