Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh họp triển khai các nội dung giám sát chuyên đề

Thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “về giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Chiều ngày 12/12/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức họp Đoàn giám sát để triển khai các nội dung liên quan đến công tác giám sát chuyên đề tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Ma Thị Thúy, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc họp.


Các đại biểu dự họp.

Nghị quyết số 88/2014/QH13 “về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” được Quốc hội ban hành ngày 28/11/2014 với mục tiêu nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh… lộ trình thực hiện từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với mục đích nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc ban hành, triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Công tác chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan. Làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và các địa phương. Qua đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.

Trên cơ sở Báo cáo của UBND tỉnh; các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đoàn giám sát dự kiến thực hiện giám sát trực tiếp từ ngày 16/12/2022 đến ngày 26/12/2022 tại Sở Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban nhân dân các huyện: Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang. Tại các huyện, thành phố, Đoàn sẽ thực hiện giám sát tại một số Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; làm việc với một số phòng chuyên môn và lãnh đạo UBND huyện, thành phố trên địa bàn.

Tại cuộc họp, các thành viên Đoàn giám sát đã đóng góp nhiều ý kiến tham gia vào nội dung, phương pháp thực hiện cuộc giám sát; thành phần Đoàn giám sát thực hiện tại các đơn vị… để cuộc giám sát đi thẳng vào trọng tâm, làm rõ được vấn đề, nêu bật được nội dung liên quan đến việc ban hành, triển khai thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; về tính khả thi, mức độ phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường và địa phương; phù hợp với khả năng tiếp thu của các đối tượng học sinh; đánh giá các điều kiện bảo đảm triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; những khó khăn vướng mắc nguyên nhân, kiến nghị, đề xuất với Trung ương, tỉnh, huyện và ngành giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện đổi mới về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục và đào tạo.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Ma Thị Thúy tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý của thành viên Đoàn giám sát, đồng thời đề nghị tổ giúp việc Đoàn giám sát sớm tham mưu cho Đoàn hoàn thiện phân công các thành viên Đoàn giám sát theo các nhóm giám sát; ban hành lịch giám sát tại cơ sở; đề nghị các thành viên Đoàn giám sát và tổ giúp việc dành nhiều thời gian nghiên cứu các văn bản, nội dung liên quan để làm việc với các cơ quan, đơn vị giám sát đạt được hiệu quả. Trên cơ sở đó đánh giá được một cách toàn diện những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện. Đồng thời kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong thời gian tới./.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục