Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sau 10 năm (giai đoạn 2010 - 2020) thực hiện đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố, phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới được nhân dân và xã hội đồng tình hưởng ứng; đời sống nông dân được cải thiện, cơ sở hạ tầng, nhà ở nông thôn được xây dựng, nâng cấp, cải tạo; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, văn minh, hiện đại hơn; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp được phát huy.

Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục xác định chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục, lâu dài theo hướng bền vững với sự tham gia của người dân là chủ yếu; lồng ghép có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn, nâng cao chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới bằng xây dựng xã nông thôn nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới. Tăng cường quản lý, xây dựng và bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản hàng hóa. Triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; hướng mạnh việc sản xuất hàng hóa nông nhiệp tập trung theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, bảo đảm quy mô, tính chuyên nghiệp để khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang.


Cán bộ, công chức huyện Hàm Yên cùng người dân thị trấn Tân Yên làm đường giao thông nông thôn. Ảnh Thanh Phúc

Mục tiêu cụ thể: Toàn tỉnh có trên 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (85/124 xã), trong đó: Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí của 47 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu có thêm ít nhất 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trên 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng số tiêu chí bình quân chung toàn tỉnh trên 17 tiêu chí/xã. Có thêm huyện Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới; duy trì, giữ vững thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Về hạ tầng kinh tế - xã hội: 100% số xã có cơ sở hạ tầng thủy lợi đạt chuẩn theo quy định; 100% số xã có cơ sở hạ tầng lưới điện đạt chuẩn theo quy định; 100% số xã có cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cơ sở hạ tầng thông tin - truyền thông, nhà ở dân cư đạt chuẩn theo quy định, đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; trên 68% số xã có cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa đạt chuẩn theo quy định. Đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tăng trưởng từ 14% trở lên. Thu nhập trên ha canh tác bình quân 120 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 44 triệu đồng/người/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 2,5%/năm theo quy định hiện hành. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học từ mức độ 2 trở lên, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: Mầm non trên 53%, tiểu học trên 70%, trung học cơ sở trên 70% và trung học phổ thông trên 35%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 72%, trong đó có bằng, chứng chỉ trên 30%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) dưới 20%; phấn đấu 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Trên 90% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa; trên 80% số thôn, tổ dân phố đạt thôn, tổ dân phố văn hóa. 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn; trên 96% chất thải rắn thông thường được xử lý theo quy định. Phấn đấu 100% số xã trên địa bàn tỉnh có ít nhất 01 thôn đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu” và 02 vườn hộ gia đình đạt chuẩn “Vườn mẫu nông thôn mới”.


Người dân xã Thái Bình (Yên Sơn) ứng dụng kỹ thuật mới vào chăm sóc nhãn, nâng cao thu nhập. Ảnh Hải Lâm

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đó là: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và cơ quan tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo các cấp; làm tốt công tác, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Đa dạng các nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện Chương trình. Huy động nhân dân tập trung phát triển kinh tế; phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, trang trại, gia trại. Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc tham gia tuyên truyền và chủ động thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định; chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, tỉnh Tuyên Quang dự kiến bố trí nguồn lực đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 là 11.296,6 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách nhà nước 4.724,7 tỷ đồng, chiếm 41,8%; vốn tín dụng 5.006,1 tỷ đồng, chiếm 44,3%; vốn doanh nghiệp 573,2 tỷ đồng, chiếm 5,1%; vốn nhân dân đóng góp 992,6 tỷ đồng, chiếm 8,8%.

Hà Anh

Tin cùng chuyên mục