Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII

Tại hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tổ chức trong các ngày 24, 25/8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã dành 01 buổi để tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện việc thực hiện 03 khâu đột phá Nghị quyết đã đề ra.


Toàn cảnh kỳ họp HĐND tỉnh.

Qua đánh giá cho thấy qua hai năm rưỡi thực hiện 3 khâu đột phá Nghị quyết Đại hội đã đạt được những kết quả tích cực. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2023 ước đạt 10.793 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2023 là 4,9%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra trên 4%/năm); cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26,8% cơ cấu GRDP của tỉnh. Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, dịch vụ phục vụ du lịch phát triển. Nhiều sự kiện, hoạt động lớn về văn hoá du lịch được tổ chức thành công thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến với Tuyên Quang. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023 toàn tỉnh đón 6.095.500 lượt khách, tổng thu xã hội từ du lịch đạt 6.420 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 20.000 lao động. Tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để đầu tư các công trình, dự án trọng điểm về kết nối giao thông liên kết vùng, tháo gỡ “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều công trình trọng điểm của tỉnh phát sinh mới Trung ương giao nhiệm vụ như: Nâng cấp đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ từ 2 làn xe lên 4 làn xe; xây dựng mới đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang dài 77 km... chưa có trong nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII được quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Công tác quy hoạch đô thị, phát triển đô thị được triển khai đồng bộ. Hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, phát triển. Hệ thống thông tin điều hành thông suốt từ tỉnh đến cơ sở.


Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết bằng máy tính bảng.

Trong kết quả đạt được đó có sự đóng góp quan trọng của HĐND tỉnh. Trên cơ sở mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, HĐND tỉnh bám sát nghị quyết của cấp uỷ tỉnh, ban hành kịp thời 12 nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách để thực hiện 3 khâu đột phá, trong đó có Nghị quyết số 03/2021/NQ- HĐND ngày 16/7/2021 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021- 2025; Nghị quyết số 09/2021/NQ- HĐND ngày 20/11/2021 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch...Cùng với đó, HĐND đã tăng cường giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, các khâu đột phá. Qua giám sát đã kịp thời chỉ ra hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, đề xuất với cấp uỷ tỉnh chỉ đạo khắc phục, bổ sung kịp thời.


Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh giám sát tiến độ thực hiện việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021- 2025.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, cần quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng kế hoạch cụ thể khắc phục khó khăn, hạn chế hiên nay. Linh hoạt trong điều hành, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Tăng cường sự chủ động, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, bảo đảm công việc vận hành thông suốt, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra.

Thứ hai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách đã ban hành; rà soát, sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp thực tiễn.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, cơ giới hóa đồng bộ; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị. Gắn kết phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ để kéo dài chuỗi giá trị và gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp, đồng thời tạo dựng khu vực nông thôn phát triển đồng bộ, toàn diện.

Thứ tư, huy động tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về vốn, tranh thủ nguồn lực từ Trung ương, từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, từ các thành phần khác để phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, đầu tư cho các chương trình, kế hoạch, dự án ứng dụng và phát triển, đào tạo nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, dễ thực hiện. Đẩy mạnh triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng cổng dữ liệu dùng chung, nền tảng và kho cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn tỉnh; phát triển thương mại điện tử; nền tảng và kho cơ sở dữ liệu các ngành; phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số của tỉnh… phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin, xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh; tăng cường đăng cai tổ chức và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư du lịch, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch cấp khu vực, quốc gia và quốc tế. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Tuyên Quang.   

NT

Tin cùng chuyên mục