Đời sống người Mông đã bớt khó khăn

Toàn tỉnh hiện có 3.645 hộ đồng bào dân tộc Mông với 19.146 nhân khẩu, sống chủ yếu ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa của các huyện. Để đồng bào Mông bớt khó khăn, tỉnh đã tăng cường hỗ trợ cho vùng có đông người Mông sinh sống bằng các nguồn vốn ngân sách như vốn Chương trình 135, vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo...

Theo đó, toàn tỉnh đã có hơn 170 công trình hạ tầng thiết yếu được xây dựng trên địa bàn 18 xã có đông đồng bào Mông sinh sống; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 1.000 hộ dân tộc Mông chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mua máy móc phục vụ sản xuất. 


Cầu tràn qua suối vào thôn Khuôn Nà, xã Trung Minh (Yên Sơn) nơi có 40 hộ dân tộc Mông sinh sống vừa được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135 năm 2017.

Thôn Ngòi Nghìn, Ngòi Rịa và thôn Phào, xã Đạo Viện (Yên Sơn) có hơn 120 hộ dân, trong đó hơn 90% hộ dân là đồng bào Mông. Từ trung tâm xã lên đến các thôn này trên 10 km nên việc đầu tư điện lưới tốn kém và khó khăn. Hỗ trợ người Mông thay đổi cuộc sống, năm 2016 Điện lực Yên Sơn đã đầu tư đường điện vào các thôn với trên 35 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn trong đó có cả nguồn vốn Chương trình 135. Có điện, cuộc sống của các hộ dân đã thay đổi, nhà nào cũng cố gắng mua ti vi, quạt điện, nồi cơm điện và những vật dụng cần thiết khác. 

Chị Hoàng Thị Thủy, thôn Ngòi Rịa phấn khởi: “Có điện lưới, mình chỉ xay một loáng đã xong tải thóc. Người Mông ở đây biết ơn Nhà nước lắm. Có điện, người Mông như có cuộc sống khác, cái đầu cũng sáng hẳn ra”. 

Anh Hứa Ngọc Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Viện kiêm Bí thư Chi bộ thôn Ngòi Rịa cho biết, từ khi có điện, qua sóng truyền hình, 60 hộ người Mông của thôn đã được tiếp cận với sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, nên tư duy làm kinh tế thay đổi, nếp sống lạc hậu cũng dần được bỏ như việc người dân đã thường xuyên phát dọn đường giao thông lên thôn, không vứt rác bừa bãi, chú trọng hơn trong phát triển kinh tế rừng…

Có cầu tràn bê tông qua suối, đường bê tông dẫn vào thôn Lăng Quăng, xã Tri Phú (Chiêm Hóa), người Mông, người Tày ở đây được hưởng lợi. Anh Ma Văn Hợp, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho biết, có đường đồng nghĩa với việc phát triển, thôn đã có hai cửa hàng tạp hóa, có 1 hộ làm dịch vụ taxi. Nhưng mừng nhất là bọn trẻ đi học đỡ vất vả, trời mưa vẫn đến được lớp, chứ trước hễ mưa là phải nghỉ bởi suối lũ không qua được. Hàng nông sản của người dân làm ra dễ bán hơn. Hiện thôn có 2 hộ người Mông đã nuôi gà thả đồi, 32 hộ nuôi trâu sinh sản, trồng mía…

Chị Lý Thị Bàng, một trong những hộ người Mông có kinh tế khá với 8 ha lát, keo, hơn 2 ha chuối tây lấy quả, 5 con trâu, gần 6 ha mía. Chị Bàng cho biết, gần 2 năm nay có đường bê tông, có cầu thuận lợi, gia đình chị đã chuyển đất soi sang trồng mía bán cho nhà máy đường, có vốn đầu tư mua cây giống trồng mới được gần 5 ha rừng. 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, lồng ghép vốn Chương trình 135 và các nguồn vốn khác, năm 2017 tỉnh đã đầu tư 34 công trình với tổng số vốn trên 21 tỷ đồng, trong đó có 21 công trình giao thông, 3 công trình lớp học và nhà công vụ, 2 công trình điện sinh hoạt, 3 công trình tràn và kênh mương, 5 công trình nước sinh hoạt.

Năm 2018, UBND tỉnh đã có quyết định phân bổ nguồn vốn Chương trình 135 cho các huyện với số tiền trên 116 tỷ đồng, trong đó trên 90 tỷ đồng là hỗ trợ các công trình thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng có đông đồng bào Mông sinh sống.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục