Nghị quyết 55 - Sức “nóng” ở Hàm Yên

Những cây cầu, tuyến đường được hình thành từ Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh đang thay đổi diện mạo nông thôn, khắc phục tình trạng chia cắt về giao thông ở các địa phương huyện Hàm Yên. Cầu, đường hiện hữu không chỉ kết nối về giao thông mà còn mở lối trong phát triển kinh tế; nhân lên niềm tin, niềm hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn trong mỗi gia đình, làng bản.

Không còn phải lội suối

135 km đường bê tông nông thôn, đường nội đồng, đường vào khu sản xuất hàng hóa và đầu tư 18 cây cầu qua suối ở các điểm dân cư nguy hiểm, bị cô lập mỗi khi mưa bão là con số huyện Hàm Yên đã thực hiện theo Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh - bà Phạm Thị Thúy, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hàm Yên cho biết. Bà Thúy khẳng định, thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh, Hàm Yên đã từng bước gỡ "nút thắt" cho giao thông nông thôn, tạo liên kết vùng, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Cây cầu Ô Rô, thôn Hưng Long, xã Thành Long được hỗ trợ xây dựng theo Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh.

Cây cầu Ô Rô, bắc qua con suối Ô Rô, thôn Hưng Long, xã Thành Long vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 4-2023 sau 5 tháng thi công. Ông Nguyễn Văn Khuynh, người hiến 740 m2 đất xây cầu, phấn khởi bảo: "Bao năm nay, người dân mong có cây cầu qua suối, giờ đã thành hiện thực rồi. Tôi cũng thấy vui vì đã góp sức làm cầu. Từ nay, tôi và người dân không phải lội suối nữa, mỗi khi mưa gió to không nơm nớp lo sợ khi người nhà còn ở bên kia suối chưa về. Cảm ơn tỉnh lắm vì đã nghe lòng dân". Chính vì sự thiết yếu của cây cầu, 3 hộ dân trong thôn đã không tiếc đất đai, sẵn sàng hiến 1.500 m2 đất, tạo điều kiện để đơn vị thi công hoàn thành cây cầu. 

Chủ tịch UBND xã Thành Long Nguyễn Thị Tám cho biết, Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh thực sự đem lại hiệu quả đối với một xã có nhiều suối, địa bàn chia cắt như Thành Long. Từ năm 2012 đến nay, xã được đầu tư 3 cầu nông thôn qua suối và hỗ trợ xi măng làm trên 11,55 km đường bê tông nông thôn, đường nội đồng, đường vào vùng sản xuất. Nghị quyết triển khai đến đâu đều được người dân đồng thuận, ủng hộ bởi hiệu quả không chỉ là giải quyết vấn đề đi lại của người dân mà còn là động lực phát triển kinh tế, xã hội để Thành Long hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

"Không còn lội suối đến đầu gối, không còn bị ngã đổ cả xe máy, cả người nữa vì có cầu rồi!" Trưởng thôn Minh Hà, xã Minh Khương Phương Thị Bích Ngọc nói. Thôn Minh Hà cách trung tâm xã Minh Khương hơn 7 km, 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2021 thôn chưa có cầu qua suối, chưa có đường bê tông nhưng đến nay 70% đường trục thôn được bê tông, cầu qua suối được đầu tư từ Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh.

Không chỉ Minh Hà mà nhiều thôn ở Minh Khương đã đổi thay nhờ có đường bê tông. Đồng chí Triệu Ngọc Phúc, Chủ tịch UBND xã Minh Khương chia sẻ, trước kia, người dân thôn Minh Hà muốn thu hoạch cây cam, cây bưởi, cây chanh hoặc các cây lâm nghiệp chi phí rất cao. Nhất là thu hoạch vào mùa mưa, không qua được suối, bà con tăng bo gần cây số mới ra đến đường bê tông nội thôn. Giờ đây, có cầu, giao thông thông suốt đã mang lại sinh khí mới cho địa phương phát triển.

Khó mấy cũng làm

Tuyến đường bê tông vào thôn Làng Mãn 1, xã Thái Hòa vừa hoàn thành mấy ngày trước còn vương mùi xi măng. Trưởng thôn Phạm Hữu Duẫn giới thiệu, đoạn đường này dài 380 m, thôn đăng ký năm 2024 nhưng đã xin được làm trước. Đường qua khu vực sản xuất dẫn vào nhóm hộ 5 thôn và 20 hộ có diện tích sản xuất nông lâm nghiệp nên các hộ phải đóng góp khá lớn. Tính ra 4 hộ đóng 133 triệu đồng tiền vật liệu cát sỏi, bình quân mỗi hộ 33 triệu đồng, một hộ nghèo được các hộ miễn đóng góp. Trưởng thôn Duẫn bảo làm được đường này có công lớn của gia đình ông Đỗ Xuân Cương. Ông Cương là Cựu chiến binh nên luôn đi đầu trong mọi việc ở thôn, ông Cương đã ứng tiền để thôn làm đường, các hộ thu xếp trả lại cho gia đình sau. Vì thế tuyến đường này đã xong sau một tháng triển khai.

Ông Cương bảo, "con đường này là mơ ước của người dân nhiều năm nên khi tỉnh hỗ trợ xi măng chúng tôi quyết tâm làm bằng được. Mọi khó khăn sẽ gỡ dần, người có hơn thì giúp người chưa có, san sẻ nhau để cùng phát triển".


Cầu thôn 9 Minh Quang, xã Minh Hương đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Từ năm 2021 đến nay, xã Thái Hòa đã làm được 10,5 km đường bê tông và 1 cây cầu qua suối. Về cơ bản đã nâng cấp, mở rộng được hết đường thôn bản, đường nội đồng đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài. Đồng chí Tống Huy Thật, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa khẳng định, Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh đã đáp ứng nhu cầu bức thiết của cơ sở nên lòng dân đồng thuận cao.
Với những hiệu quả đem lại, những cây cầu, tuyến đường được thực hiện theo Nghị quyết 55 đang tiếp tục được đẩy mạnh thi công tại các địa phương.

Cầu Đèo Tế, xã Hùng Đức đang được Công ty TNHH Tân Thịnh Tuyên Quang đẩy mạnh thi công sau khi có mặt bằng. Ông Lê Quang Thành, Giám đốc Công ty cho biết, công trình cầu này thi công khá chật vật vì ở địa bàn vùng sâu, suối có độ dốc lớn, diện tích giải phóng mặt bằng lớn. Khối lượng đào đắp gấp 3 - 4 lần cây cầu khác, đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo tiến độ và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. 

Chị Đặng Thị Sen, ở cạnh cây cầu Đèo Tế chia sẻ: "Con suối này dốc gập luôn, ngày trước mỗi lần đi làm nương hoặc đèo ngô lúa qua suối lúc nào xe máy cũng chực lật bổ nhào. Mình ngã vài lần rồi, có người ngã gãy cả chân. Được Nhà nước xây cầu người dân mừng lắm!".

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Đức Đặng Văn Giáp, hiện xã đã được đầu tư 3 cây cầu qua suối và trên 8,6 km đường bê tông, giúp việc đi lại của người dân đỡ vất vả hơn nhiều. 

Lợi ích những cây cầu, tuyến đường đem lại đã và đang làm thay đổi các thôn bản, gỡ nút "thắt" về giao thông chia cắt, Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh đang đem lại sức "nóng" cho sự phát triển ở các địa phương.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục