Tuyên Quang từng bước xây dựng nền hành chính điện tử hiện đại

Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, ngày 07/3/2019 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp.


Hội nghị tập huấn Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tình Tuyên Quang.

Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang, ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước tỉnh, Quy chế quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh…; hàng năm ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 36 sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố ứng dụng công nghệ thông tin để công bố, công khai thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị và cổng thông tin điện tử của tỉnh; đã có 18 sở, ngành, 7 huyện, thành phố và 141 xã, phường, thị trấn thực hiện triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Tuyên Quang (http://dichvucong.tuyenquang.gov.vn/); Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị, UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí đi lại cho tổ chức, cá nhân.

Bộ phận một cửa của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng phần mềm một cửa điện tử để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ, tiếp tục tạo lập và cung cấp hòm thư điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức; đến nay, đã có 19.495 tài khoản được cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, chiếm tỷ lệ 94,69%. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai cho tất cả các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; đảm bảo kết nối liên thông 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) đạt 100%; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 70%, tiết kiệm rất lớn về thời gian xử lý, triển khai văn bản và kinh phí của nhà nước. Hạ tầng kỹ thuật được chú trọng đầu tư, duy trì hoạt động thông suốt 24/24 giờ, đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Hiến cho biết: Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh còn có một số khó khăn, sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh có giải pháp khắc phục, tháo gỡ như: Hệ thống cơ sở dữ liệu đã được xây dựng còn thiếu kết nối, chưa đồng bộ; việc đầu tư các ứng dụng công nghệ thông tin còn rời rạc, thông tin dữ liệu còn trùng lặp, chưa đồng bộ; nguồn kinh phí triển khai các chương trình, dự án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin hàng năm còn hạn chế; một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm chỉ đạo ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chưa gắn với cải cách hành chính, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; nguồn nhân lực công nghệ thông tin một số cơ quan, đơn vị còn thiếu, trình độ chuyên môn chưa đồng đều dẫn đến hiệu quả tham mưu và thực hiện triển khai các ứng dụng có lúc còn hạn chế. Việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó khăn như thiết bị công nghệ thông tin đã được trang bị nhiều năm, tốc độ xử lý chậm, đa số người dân chưa quen khai thác các ứng dụng dẫn đến không có phát sinh hồ sơ trực tuyến…


Chi cục Kiểm lâm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ hiện trạng rừng.

Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tập trung khắc phục những khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp về môi trường chính sách, tài chính, công nghệ, hoàn thành quy hoạch hạ tầng thông tin, gắn kết chặt chẽ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao khả năng khai thác, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin…

Xác định mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, hướng tới thực hiện thành công kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin 5 năm (2016-2020); đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử tỉnh. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020; và các quyết định, kế hoạch của Bộ Thông tin và Tuyền thông, của tỉnh. Phấn đấu xây dựng một nên hành chính điện tử hiện đại, đồng bộ và liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã; tạo môi trường làm việc minh bạch, hiệu quả ở tất cả các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; giảm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Ngô Hùng

Tin cùng chuyên mục