Tuyên Quang nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc có mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy bố trí cơ bản thuận lợi. Đường bộ có tổng chiều dài 11.258,13 km, trong đó: 07 tuyến Quốc lộ với tổng chiều dài 563,77 km; 04 tuyến đường tỉnh với chiều dài 451,43 km; đường đô thị dài 303,88 km; đường huyện có tổng chiều dài 1.141,14km; đường giao thông nông thôn có tổng chiều dài 8.797,91km. Đường thủy nội địa gồm 2 tuyến Sông Lô, sông Gâm với chiều dài 201 km và vùng hồ thủy điện Na Hang, thủy điện Chiêm Hóa.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và đã có những chuyển biến tích cực. Xác định tuyên truyền là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị- xã hội vào cuộc nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên mọi địa bàn; Công an tỉnh đã phối hợp với cơ quan báo chí của tỉnh thường xuyên đưa tin, bài tuyên truyền về TTATGT đồng thời hướng dẫn Công an cấp huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh, sinh viên. Xây dựng các cụm cổ động, treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích về an toàn giao thông.


Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an thành phố Tuyên Quang tuần tra, kiểm soát
trên tuyến Đại lộ Tân Trào. Ảnh: BTQ

Song song với công tác tuyên truyền, các địa phương đã xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình tự quản tại cơ sở như “Tổ tự quản về TTATGT”, “Đoạn đường tự quản”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”… Nhờ đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân đã có những chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã thực hiện quy hoạch tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối thành phố Tuyên Quang với đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai; xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang; xây dựng, cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện và giao thông nông thôn với tổng chiều dài 695,1 km với tổng kinh phí 2.938,04 tỷ đồng. Bê tông hóa đường giao thông nội đồng theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 của HĐND tỉnh được 229,8 km. Triển khai xây dựng 18 cầu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt thực hiện xây dựng 02 cầu lớn là cầu Bình Ca thuộc đường Hồ Chí Minh và Cầu Tình Húc, thành phố Tuyên Quang, tạo diện mạo mới và góp phần phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý các loại phương tiện giao thông có nhiều đổi mới, phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; công tác kiểm định các phương tiện được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ kiểm tra giám sát đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Từ ngày 01/01/2016-31/12/2018, tổng số phương tiện cơ giới đường bộ hiện được đăng ký, quản lý trên địa bàn tỉnh 447.221 phương tiện; tổng số phương tiện cơ giới đường bộ đã đăng kiểm kỹ thuật là 54.384 lượt phương tiện; tổng số phương tiện thủy nội địa đã kiểm định kỹ thuật là 142 lượt phương tiện.

Công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và chứng chỉ lái phương tiện thủy nội địa được quan tâm cả về nội dung, chương trình… chất lượng đào tạo, sát hạch được thực hiện theo quy chuẩn quốc gia do Bộ Giao thông Vận tải quy định đồng thời có sự đổi mới theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn chất lượng của khu vực và thế giới. Toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học lái xe của nhân dân trong tỉnh.

Các lực lượng chuyên ngành, đặc biệt là Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông đã tập trung phương tiện và triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT, góp phần quan trọng vào công tác giữ gìn TTATGT. Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, tai nạn giao thông giảm nhưng chưa thật bền vững, tình trạng người vi phạm không chấp hành xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn xảy ra ở một số địa phương; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ chưa được xử lý triệt để, công tác quản lý sau giải tỏa có nơi còn bị buông lỏng…

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý của chính quyền các cấp đối với việc thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo đảm TTATGT.

Hà Anh

Tin cùng chuyên mục